Nhân sự Gen Z gặp “tai nạn nghề nghiệp” với AI

Nhiều lao động Gen Z đang chủ động học AI để nâng cao hiệu suất công việc, trong khi số khác vẫn chờ doanh nghiệp đào tạo. Mặc dù vậy, việc lạm dụng công nghệ mà thiếu kiểm chứng có thể gây ra nhiều rủi ro.
Gen Z định nghĩa "rút ống thở" là gì? Gen Z vươn mình trở thành thế hệ công dân đầy sáng tạo Cuộc cách mạng tiết kiệm và đầu tư sớm của gen Z

Năng suất đi cùng với rủi ro

“Tự túc là hạnh phúc” là cách Hoàng Long (26 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) miêu tả hành trình học AI của mình. Thay vì chờ công ty đào tạo, chàng trai trẻ tự mua ChatGPT Plus (20 USD/tháng) và học từ các khóa của Google để không bị bỏ lại trong thị trường lao động.

“Ban đầu, mình muốn đợi công ty tổ chức đào tạo để tiết kiệm chi phí nhưng chưa thấy nên quyết định tự học để mở rộng cơ hội, tránh phụ thuộc vào doanh nghiệp”, Long nói.

Sau một thời gian tự học, Long hiểu hơn về cách vận hành của các công cụ AI, từ đó giao tiếp một cách thông minh, nhận về kết quả đúng ý hơn. Ngoài ra, bản nâng cấp của ChatGPT cũng giúp Long rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu, lập báo cáo và thiết kế đề xuất.

Tuy nhiên, việc áp dụng AI tự phát cũng tiềm ẩn rủi ro. Đầu tháng 3, Long bị xử phạt khi sử dụng thông tin sai về doanh nghiệp trong một bản đề xuất gửi khách hàng.

Nhân sự Gen Z gặp “tai nạn nghề nghiệp” với AI
Nhiều lao động Gen Z đang chủ động học AI để nâng cao hiệu suất công việc

Nam nhân viên 26 tuổi dựa vào dữ liệu AI mà không kiểm chứng, cho rằng đây là thông tin công khai do công ty đăng tải trên Internet. Thực tế, đây là thông tin chưa kiểm duyệt, có thể do AI tạo ra hoặc do nhân sự, thậm chí đối thủ cạnh tranh, nhập vào hệ thống.

Hoàng Long nhận lỗi về bản thân khi tắc trách, bỏ qua bước tự kiểm chứng và phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu do trí tuệ nhân tạo cung cấp. Sau "tai nạn nghề nghiệp" này, Long rút kinh nghiệm và mong công ty sớm triển khai các khóa đào tạo bài bản, giúp nhân sự hiểu rõ quy chuẩn sử dụng AI để áp dụng nhất quán trong công việc. Chàng trai trẻ cũng mong công ty hỗ trợ thêm công cụ để tối ưu hóa công việc hàng ngày.

Không chỉ nhân sự ngành kinh doanh, người làm sáng tạo cũng đối mặt với thách thức tương tự khi ứng dụng AI.

Hoàng Anh (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa) đã quen thuộc với việc tích hợp AI vào công việc. Cô sử dụng các công cụ như MidJourney, ChatGPT và Photoshop AI hàng ngày để tối ưu hóa quy trình thiết kế, giúp hoàn thành sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả.

Khi khách hàng yêu cầu hình ảnh đặc thù nhưng không có thời gian tổ chức buổi chụp chuyên nghiệp, Hoàng Anh đề xuất sử dụng MidJourney, công cụ tạo hình ảnh từ mô tả văn bản, để tạo ra hình ảnh phù hợp. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí so với phương pháp truyền thống.

Khách hàng của cô chủ yếu đến từ Trung Quốc, nơi AI được ứng dụng rộng rãi trong chiến lược marketing. Họ tích cực ủng hộ các giải pháp công nghệ, thúc đẩy Hoàng Anh phải trau dồi kỹ năng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, AI cũng đi kèm với những thách thức. Một vấn đề phổ biến là sự trùng lặp trong các sản phẩm do AI tạo ra. Dù thay đổi câu lệnh (prompt), công cụ này vẫn có xu hướng tạo ra những khuôn mặt, bố cục hoặc phong cách thiết kế tương tự nhau.

Nhân sự Gen Z gặp “tai nạn nghề nghiệp” với AI
Hoàng Anh sẵn sàng chi tiền cho AI để hỗ trợ công việc

“Nhiều khách hàng nhận xét rằng các mẫu nhân vật AI có xu hướng lặp lại, đặc biệt là những nhân vật phương Tây”, Hoàng Anh nói.

Để khắc phục, cô gái trẻ áp dụng các chiến lược sáng tạo như thay đổi màu da, kiểu tóc, sắc tộc và đường nét khuôn mặt của nhân vật.

“AI có thể tạo hình ảnh theo yêu cầu nhưng chưa thể sáng tạo một concept hoàn toàn mới. Đôi khi, nó còn tạo ra những chi tiết phi thực tế như ngón tay thừa”, cô gái trẻ giải thích.

Hoàng Anh từng thử nghiệm AI trong toàn bộ quy trình thiết kế nhưng vẫn phải chỉnh sửa thủ công một số yếu tố, chẳng hạn như bảng màu thương hiệu, để đảm bảo sản phẩm đúng yêu cầu khách hàng. AI có thể hỗ trợ tạo nền (background) hoặc bố cục cơ bản, nhưng nếu thiếu sự can thiệp của con người, sản phẩm sẽ thiếu tinh tế và tính cá nhân hóa.

Chờ đợi doanh nghiệp hỗ trợ

Theo khảo sát của Google đầu tháng 3 với 2.000 nhân sự gen Z tại Việt Nam, có tới 37% nhân sự đã quen thuộc với các công cụ AI, trong đó 20% sử dụng chúng để xử lý khoảng 30% công việc hàng ngày. Ngoài ra, 60% người lao động bày tỏ mong muốn tham gia các chương trình đào tạo chính quy về AI do doanh nghiệp tổ chức.

Khảo sát cũng cho thấy 82,6% người lao động nhóm Non-IT (không liên quan đến công nghệ) đã ứng dụng AI trong công việc. AI mang lại cải thiện đáng kể về hiệu suất cho phần lớn nhân sự, với 49,7% đánh giá năng suất tăng trên 31%.

Tuy nhiên, 25% người lao động cho rằng AI không có tác động rõ ràng hoặc chưa ảnh hưởng đến công việc của họ. Trần Quyền (24 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), kỹ sư lắp đặt mạng, là một trong số đó.

Công việc của Quyền đòi hỏi tính tỉ mỉ và kỹ năng thực tế cao, chủ yếu xoay quanh xử lý và khắc phục sự cố trực tiếp với thiết bị, những tác vụ mà công nghệ hiện tại chưa thể thay thế hoàn toàn. AI có thể hỗ trợ phân tích và đưa ra gợi ý, nhưng việc xử lý tình huống cụ thể vẫn cần đến chuyên môn của kỹ sư mạng. Vì vậy, Trần Quyền chưa đầu tư tìm hiểu sâu về AI, mà tập trung phát triển các kỹ năng nghề nghiệp khác.

Dù vậy, Quyền cũng nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của công nghệ này. Theo chàng trai trẻ, AI dù không thể thay thế kỹ sư nhưng có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu, giám sát hệ thống và tự động hóa một số quy trình.

“Mình hy vọng công ty sẽ triển khai chương trình đào tạo về AI để có cơ hội áp dụng công nghệ này hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng công việc”, Trần Quyền chia sẻ.

Nhân sự Gen Z gặp “tai nạn nghề nghiệp” với AI
Thuỳ Trang ưu tiên phát triển các kỹ năng khác trước và đợi công ty tổ chức đào tạo sử dụng AI sau

Tương tự, Thuỳ Trang (27 tuổi, chuyên viên hành chính - nhân sự) cũng chưa ứng dụng AI vào công việc hàng ngày. Doanh nghiệp của cô không yêu cầu tất cả nhân sự sử dụng AI và chưa tổ chức chương trình đào tạo chuyên biệt.

“Công ty chỉ cấp tài khoản ChatGPT Plus cho nhân viên bộ phận phát triển sản phẩm, thiết kế, nhưng cũng không hướng dẫn sử dụng. Những người có tài khoản trả phí còn chưa dùng, nên tôi chưa vội”, Thuỳ Trang nói.

Hơn nữa, theo cô gái 27 tuổi, lĩnh vực hành chính - nhân sự lấy con người làm trọng tâm. Công việc của cô đòi hỏi sự tương tác trực tiếp, khó có thể thay thế bằng công nghệ. Nếu doanh nghiệp không yêu cầu hay tổ chức đào tạo, cô cũng chưa có ý định tìm hiểu sâu về AI.

“Mình có thể sử dụng công cụ ở mức cơ bản, đủ đáp ứng phần lớn yêu cầu hiện tại. Trong năm nay, mình ưu tiên phát triển các kỹ năng khác trước”, Thuỳ Trang chia sẻ.

Phạm Thành
Phiên bản di động