Tết của bác sĩ trẻ giành sự sống cho bệnh nhân từ “thần chết Covid”
Hà Nội lập chốt chặn, cách ly nhà riêng của bác sĩ liên quan BN1553 Người già ùn ùn nhập viện, bác sĩ khuyên cần giữ ấm, tránh nhiễm lạnh đột ngột Bệnh rối loạn tâm thần tấn công người trẻ |
Thạc sĩ - bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong 10 “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2020. Anh cũng nhận giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc do Trung ương Đoàn trao tặng.
Giành bệnh nhân từ lưỡi hái tử thần
Một trong những khoảnh khắc, cảm xúc khiến bác sĩ Khiêm không thể nào quên là khi giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng từ tay tử thần. Đầu tháng 3/2019, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho 5 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm (Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực) nhận giải thưởng "Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2020 |
Việc điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân này vô cùng khó khăn. Diễn biến tình trạng sức khỏe của họ thay đổi từng giờ. Bên cạnh đó, đây cũng là một bệnh mới và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên đòi hỏi các bác sĩ phải tìm phác đồ điều trị phù hợp.
Trong đó, bệnh nhân số 19 là một trong 5 bệnh nhân nặng có thời gian điều trị dài nhất. Bệnh nhân có tuổi cao, nhiều bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch. Vì vậy, khi được đưa vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân bị biến chứng, gây tràn khí màng phổi, ô xy máu tụt nhiều và diễn biến vô cùng nguy kịch. Ngay lúc ấy, các bác sĩ nhận định chỉ có cách duy nhất là đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) mới có thể giữ được mạng sống của người bệnh.
Những ngày sau đó, bệnh nhân 19 có tiến triển tốt lên. Tuy nhiên, do có bệnh lý nền về tim mạch nên sau khi rút ECMO được 4 ngày, vào khoảng 0h48 ngày 8/4/2019, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn.
“Thời điểm đó bệnh nhân 19 ngừng tuần hoàn 1 lần trong khoảng 40 phút. Các bác sĩ phải sốc điện đến 3 lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn cho bệnh nhân. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trong vòng 40 phút thực sự là khủng khiếp”, bác sĩ Khiêm nhớ lại.
Anh cho biết thêm, ê kíp ép tim lúc đó có 8 người gồm 4 bác sĩ và 4 điều dưỡng, thay nhau thực hiện. Với kinh nghiệm trong nghề, anh và đồng nghiệp hiểu rõ việc ngừng tuần hoàn làm bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: Tình trạng nhiễm trùng tăng lên, suy thận, tổn thương phổi nhanh.
Khó khăn, căng thẳng, có lúc tưởng chừng như phải buông tay nhưng bác sĩ Khiêm và đồng nghiệp không chịu đầu hàng. Các anh đã đấu trí với tử thần đề giành sự sống về cho bệnh nhân 19.
Đón Tết trong bệnh viện…
Trong cuộc chiến với Covid-19, bác sĩ Khiêm và đồng nghiệp đã phải trải qua nhiều thời điểm cam go. Trong suốt đợt dịch, anh và nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 đã tạm quên gia đình để cứu người bệnh. Những bác sĩ, cán bộ y tế tiếp xúc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng được tính là F1, sẽ phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với đồng nghiệp và và người ngoài.
Một trong những khoảnh khắc, cảm xúc khiến bác sĩ Khiêm không thể nào quên là khi giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng từ tay tử thần |
Bác sĩ Khiêm cùng các cán bộ y tế nhiều tháng không về nhà, ở liền trong bệnh viện. Sau đó lại anh lên đường vào miền Trung chi viện cho đồng nghiệp ở Thừa Thiên - Huế. Tất cả vì người bệnh.
Cơ duyên đưa bác sĩ Khiêm đến với ngành Y bắt nguồn chính những người thân trong gia đình. Bà nội bị bệnh nên ngay khi còn là cậu bé, anh đã nuôi trong mình quyết tâm trở thành bác sĩ. Ước mơ trở thành hiện thực khi anh đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội và đến giờ đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề…
“Là người trẻ có sức lực, trí tuệ và hoài bão, tôi luôn ý thức được phải nỗ lực phấn đấu. Tôi nghĩ, mỗi cá nhân thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình đã là đóng góp cho đất nước. Tuy rằng, mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát bé nhỏ nhưng nhiều hạt cát tốt sẽ gom thành bãi biển lớn. Đó là nền tảng xây dựng đất nước vững mạnh”, bác sĩ Đồng Phú Kiêm chia sẻ.