Nguyên nhân khiến người chạy marathon đột ngột ngưng tim

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận một bệnh nhân nữ (53 tuổi) ở Huế vừa tử vong khi đang tham gia giải chạy marathon ở Huế.
Trà sữa Chagee bị giới trẻ tẩy chay vì “đường lưỡi bò” Bé trai 12 tuổi bị đột quỵ chảy máu não Người trẻ chạy đua giảm cân sau Tết

Bệnh nhân N.T.P tử vong do đột quỵ khi tham gia thể thao chạy bộ; chẩn đoán xuất huyết do vỡ phình mạch máu não.

Trước đó, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp. Các bác sĩ đã cấp cứu, cho bệnh nhân thở máy nội khí quản, nhưng tình trạng không cải thiện.

Ngoài bệnh nhân nữ kể trên, Bệnh viện Trung ương Huế còn tiếp nhận thêm 3 trường hợp khác cũng nhập viện do gặp vấn đề sức khoẻ khi tham gia giải chạy nói trên. Đến nay, 2 bệnh nhân đã xuất viện về nhà, còn một trường hợp đang được theo dõi.

Tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024, một nam thanh niên bỗng ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m.

Tình trạng đột ngột ngừng tim khi chạy marathon không phải là hiếm gặp. Tại Việt Nam chưa có số liệu về các ca ngưng tim đột tử khi chạy, nhưng tại một số nước có thống kê với tỷ lệ khoảng 0,5/100.000 người.

Nguyên nhân khiến người chạy marathon đột ngột ngưng tim
Tình trạng đột ngột ngừng tim khi chạy marathon không phải là hiếm gặp (Ảnh: MXH)

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột khi chơi thể thao gồm: Người bị thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành, mọi người có thể tầm soát bằng cách chụp động mạch vành.

Rối loạn nhịp tim, có thể là bẩm sinh (hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng khoảng QT kéo dài...) hoặc mắc phải, như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất... nguyên nhân có thể do bệnh van tim, do dùng thuốc hoặc rối loạn điện giải.

Những người bị bệnh cơ tim thể giãn, cơ tim phì đại, cơ tim do nghiện rượu... cũng có nguy cơ đột ngột ngừng tim.

Suy tim mạn tính cũng có thể dẫn tới ngừng tim khi chạy.

Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...

Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi tham gia các giải chạy phong trào. Trước khi tham gia, mọi người cần khám sức khỏe cẩn thận để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Vận động viên nên được đo điện tâm đồ (ECG), huyết áp, làm xét nghiệm cơ bản và được tư vấn nếu có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do vận động.

Người chạy bộ cần tập luyện phù hợp trước khi thi đấu, không nên tham gia đột ngột nếu không có sự chuẩn bị trước đó. Cần tăng dần cường độ chạy từ 2-4 tuần trước giải. Khi chạy, cần khởi động kỹ 10-15 phút trước khi xuất phát để hạn chế chấn thương và chuột rút, đặc biệt không nên cố gắng vượt quá khả năng bản thân.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng nếu người chạy có biểu hiện như đau ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, tê tay chân, da đỏ bừng, nóng, vã mồ hôi sau đó khô, hoặc cảm giác mệt lả bất thường thì cần dừng chạy ngay, tìm nơi mát và báo cho nhân viên y tế lập tức.

Hà Linh
Tags:
Phiên bản di động