Tăng cường quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao di động
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản số 1715/TTra-BCVT&CNTT gửi các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền yêu cầu nghiêm túc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động.
Các nhà mạng viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý sim rác. Trong ảnh: Nhân viên VinaPhone hỗ trợ khách hàng kích hoạt thuê bao mới |
Đây là văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh lần thứ nhất của cơ quan quản lý đối với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền, nhằm ngăn chặn tình trạng mua, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao (sim rác) và việc sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền trên toàn quốc thực hiện nghiêm 8 nội dung.
Thứ nhất, đại lý, điểm cung cấp ủy quyền cần rà soát, chấm dứt ngay hoạt động đăng ký, kích hoạt, mua, bán sim không đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, các đơn vị chỉ tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao sau khi kiểm tra, đối chiếu chính xác thông tin của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Thứ ba, đại lý, điểm cung cấp ủy quyền không sử dụng thông tin của chủ điểm, nhân viên điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, thông tin của tổ chức, cá nhân khác để đăng ký trước thông tin thuê bao; mua, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao.
Thứ tư, các đơn vị không tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; Thứ năm, tuyệt đối không sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các công cụ khác để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức để đăng ký thông tin thuê bao di động.
Thứ sáu, đại lý, điểm cung cấp ủy quyền quản lý chặt chẽ thông tin tài khoản được doanh nghiệp viễn thông cấp để đăng ký thông tin thuê bao; tuyệt đối không cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn tài khoản được doanh nghiệp viễn thông cung cấp để đăng ký thông tin thuê bao di động.
Thứ bảy, các đơn vị bảo đảm bí mật thông tin thuê bao đúng quy định của pháp luật; không được thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; Thứ tám, trường hợp không tiếp tục làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thì phải thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông di động; kịp thời hoàn trả lại tài khoản đăng ký thông tin thuê bao cho doanh nghiệp viễn thông.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 7 doanh nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 39 đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền với số tiền 1,77 tỷ đồng, trong đó có trường hợp bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông cả nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền vi phạm pháp luật; Thậm chí sẽ xem xét việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm; Các trường hợp sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để đăng ký sim, mua, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao với số lượng lớn.
Trước đó, ngày 12/10/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký công văn gửi chủ tịch, tổng giám đốc 7 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu (Gtel Mobile), Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (I-Tel), Công ty cổ phần Mobicast.
Tại công văn này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trường hợp vẫn để xảy ra tình trạng sim đã nhập sẵn thông tin bán trên thị trường, thuê bao có thông tin không chính xác, Bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp; đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với doanh nghiệp.