Talkshow "Họa Kim Sa và Phật giáo trong tâm thức người Việt"

Ngày 21/10, các bạn trẻ nhóm HỌA GẤM sẽ tổ chức talkshow mang chủ đề "Họa Kim Sa và Phật giáo trong tâm thức người Việt".
Giới trẻ mê mẩn với nét đẹp của nghệ thuật họa kim sa

Màu sắc trẻ trung trong nghệ thuật truyền thống

Tiếp nối sự thành công của sự kiện talkshow “Hoạ Kim Sa và Tín ngưỡng Thờ Mẫu trong tranh Hàng Trống” vào tháng 3 năm 2023, HỌA GẤM một lần nữa đưa tới talkshow “Hoạ Kim Sa và Phật giáo trong tâm thức người Việt”. Tại buổi tọa đàm, khán thính giả sẽ được trò chuyện và tìm hiểu về môn nghệ thuật độc đáo Họa Kim Sa, tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh “Phật Bà Quan Âm” do nghệ nhân Lê Đình Nghiên phục chế. Bức tranh đã được HOẠ GẤM mô phỏng và chế tác lại theo phong cách Hoạ Kim Sa lần đầu tiên.

Talkshow
Talkshow đầu tiên mang chủ đề Họa Kim Sa và Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tranh Hàng Trống vào tháng 3/2023 của HỌA GẤM đã thành công thu hút rất nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật.

Tại buổi tọa đàm, HỌA GẤM hứa hẹn mang tới một không gian với chủ đề Phật Giáo, được trang trí theo concept là một đầm sen thu nhỏ tái hiện 7 bước chân sen của Phật. Theo truyền thuyết, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, Ngài đi 7 bước và có 7 bông hoa sen đỡ chân Ngài.

Talkshow
Một tạo hình hoa sen bằng nghệ thuật Họa Kim Sa.

Theo Nguyễn Hoàng Anh - Founder HỌA GẤM, buổi talkshow nói riêng và các hoạt động trong chuỗi sự kiện "Họa Linh Sắc Việt" nói chung sẽ gửi tới thông điệp rằng, những giá trị cổ truyền không bao giờ cũ”, để tinh hoa xưa sống mãi với thời gian. Đặc biệt, đội ngũ HỌA GẤM mong muốn truyền tải ý nghĩa về hình ảnh hoa sen - Quốc hoa của đất Việt - đến với các bạn trẻ yêu nghệ thuật. Qua đó, khán giả sẽ hiểu thêm về ý nghĩa của hoa sen trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt và đặc biệt là hình ảnh hoa sen trong Phật giáo.

Talkshow "Họa Kim Sa và Phật giáo trong tâm thức người Việt" được tổ chức với mục tiêu đưa các khách mời theo dòng lịch sử, tìm lại một môn nghệ thuật cổ đã bị thất truyền, hiểu hơn về tôn giáo đã ăn sâu vào văn hóa, tín ngưỡng người Việt, hòa mình vào những dòng tranh dân gian đã sống trong tiềm thức của con người Việt Nam theo năm tháng.

Bằng những câu chuyện nghệ thuật và những bức tranh sống động, HỌA GẤM mong muốn đem đến một không gian văn hóa tĩnh lặng, trầm tư để tất cả những giá trị văn hoá nghệ thuật xưa sẽ hoà làm một, dù mang nét đẹp riêng nhưng lại tôn vinh lẫn nhau.

Talkshow
Các khán thính giả yêu nghệ thuật đến từ mọi lứa tuổi tham dự buổi talkshow đầu tiên của HỌA GẤM

Buổi talkshow "Hoạ Kim Sa và Phật Giáo trong tâm thức người Việt" gồm có 3 phần:

Phần 1 - Tinh hoa Đất Việt: Tọa đàm về lịch sử và kỹ thuật của các làng nghề tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, pháp lam Huế,... Sau đó, các khách mời và khán thính giả sẽ cùng thảo luận về chủ đề "Quan niệm dân gian trong văn hóa người Việt".

Phần 2 - Phật giáo trong tâm thức người Việt: Bao gồm các chủ đề "Phật giáo Việt Nam qua từng thời kỳ", "Ảnh hưởng của Phật Giáo trong văn hóa Việt" và "Phật giáo trong tâm thức người Việt". Phần 2 sẽ mang đến không gian suy tư pha chút thiền định về các câu chuyện Phật giáo, hình ảnh nghệ thuật về đạo Phật và sự thay đổi của những đường nét họa hình Phật qua từng thời kỳ.

Phần 3 - Tinh hoa sống mãi với thời gian: Bàn về các nghề truyền thống Việt Nam và câu chuyện gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt trường tồn với thời đại.

Buổi talkshow sẽ bắt đầu vào lúc 8h30p ngày 21/10/2023 tại địa chỉ số 15 ngõ 392 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Đôi nét về môn nghệ thuật Pháp Lam

Khởi nguồn từ phương Tây, Pháp lang là nghệ thuật áp tráng men thủy tinh lên các phôi vàng, bạc hoặc đồng để ngăn không cho màu men hòa lẫn với nhau, gọi là kháp-ti pháp-lang (掐丝琺瑯), vốn đã có từ thời Ai Cập cổ đại và phát triển khắp vùng Trung Đông trong thời kỳ Byzantine Hy Lạp (330-1453), rồi theo Thập tự chinh vào Tây Âu thời Trung cổ. Kỹ nghệ họa pháp lang được phát triển và duy trì từ vùng Limoges ở Pháp và vùng Battersea ở Anh, du nhập vào Trung Hoa theo chân các tu sĩ dòng Tên vào cuối thế kỷ XVII. Vì thế, mà người Tàu còn gọi chế phẩm họa pháp lang là “Dương từ”, nghĩa là “đồ tráng men Tây dương”.

Talkshow
Khay trà và chén trà - Pháp lam Huế

Pháp lang du nhập vào Việt Nam dưới thời Nguyễn. Kinh đô Huế là cái nôi duy nhất của pháp lang Việt Nam, với một tên gọi mới: Pháp lam. Kỹ nghệ làm pháp lam ở Huế vào thời Nguyễn tiếp thu trực tiếp từ kỹ nghệ chế tác họa pháp lang của vùng Quảng Đông, chứ không theo kỹ nghệ kháp ty pháp lang ở Bắc Kinh.

Talkshow
Pháp lam Huế được ứng dụng vô cùng đa dạng
Talkshow
Màu sắc đã qua nhiều năm nhưng vẫn còn giữ nguyên nét tươi mới, mềm mại.

Sử sách nhà Nguyễn cho biết thời điểm khai sinh kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam là năm 1827; thịnh hành vào các đời vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883); sa sút từ sau thời kỳ tứ nguyệt tam vương và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1889) song không phục hưng nổi, mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Như vậy, thời gian tồn tại của kỹ nghệ pháp lam Huế, từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm. Nhưng di sản pháp lam còn lại trên mảnh đất cố đô Huế khá đồ sộ, phong phú về số lượng; đa dạng về loại hình và kiểu thức khiến người đời sau phải thán phục.

Nhóm HOẠ GẤM đã tiếp nối pháp lam, gắn cho nghệ thuật này một tên gọi mới là Tân Pháp Lam - Hoạ Kim Sa.

Tùng Linh
Phiên bản di động