Tái chế vỏ mì tôm thành sản phẩm hữu ích
Dân mạng hào hứng chờ... muối chấm trong mì Hảo Hảo được bán lẻ Nuôi 100 tấn cá tra bằng mì tôm, lòng gà lãi gần tỷ đồng mỗi năm |
Kéo dài vòng đời cho vỏ mì tôm
Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Nguyễn Công Duy Anh (18 tuổi, Phó Chủ tịch CLB Mì Tôm Xanh) trong lúc cậu bạn đang hỗ trợ các bạn cộng tác viên phân loại sạch sẽ vỏ mì tôm để tái chế thành những sản phẩm hữu ích.
Sau một hồi tỉ mỉ, cẩn thận, một sàn diễn thời trang với những phụ kiện làm từ các vật liệu có "một không hai" như hộp bút, đĩa đựng thức ăn cho đến giỏ đựng đồ, túi xách bắt mắt… đã được bày ra trước mắt. Tất cả đều được tạo ra từ những vỏ gói mì tôm. Đặc biệt hơn, người sáng lập ra câu lạc bộ thủ công này lại là một giáo viên giáo dục thể chất.
Cô Vũ Thị Thảo - Chủ tịch CLB Mì Tôm Xanh và các thành viên trong CLB đang tái chế sản phẩm từ những vỏ mì tôm bỏ đi |
Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Duy Anh nói, Mì Tôm Xanh ra đời trong thời kì Covid-19 đầy khó khăn. Lúc đó, cô Thảo gặp nhiều trở ngại trong quá trình gom nhặt vỏ mì tôm về tái chế. Bởi, gia đình cô cho rằng, hành động gom vỏ mì tôm bỏ đi của cư dân sẽ là nguồn lây Covid-19 cho gia đình. Nhưng, với sự kiên trì và quyết tâm, lâu dần, cô Thảo nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của mọi người trong gia đình.
Tháng 2/2020, hưởng ứng Tuần lễ bảo vệ môi trường do nhà trường phát động trong thời gian giãn cách xã hội, cô Thảo bắt tay vào làm các sản phẩm từ chai nhựa, vỏ bánh kẹo, giấy nhưng đều không thành công. Vô tình, cô Thảo thử nghiệm với những chiếc vỏ mì tôm và cho ra kết quả ưng ý.
Cô Vũ Thảo chia sẻ: “Mì tôm là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Chúng ta có thể tận dụng số lượng lớn rác thải này để tái chế.
Sau khi thử làm nhiều vật liệu khác nhau, tôi nhận thấy vỏ mì tôm đáp ứng được những yêu cầu về độ bền, độ dẻo và tính thẩm mỹ nên rất phù hợp để tạo ra các sản phẩm đồ dùng”.
Từ đó, nhiều sản phẩm được ra đời với các mẫu mã khác nhau, các bạn học sinh cũng biết đến và cùng tham gia hỗ trợ cô Thảo xây dựng CLB tại trường.
Nguyễn Công Duy Anh, 18 tuổi, Phó Chủ tịch CLB Mì Tôm Xanh |
Đặt nền móng từ những ý tưởng ban đầu, CLB Mì Tôm Xanh mong muốn có thể tạo dựng một cộng đồng của những bạn học sinh yêu môi trường, thích sáng tạo ra những sản phẩm tái chế thủ công. Nhận được sự quan tâm, đón nhận của mọi người, đến nay, CLB Mì Tôm Xanh có khoảng 35 thành viên tại trường Vinschool Times City, cùng với đó, CLB cũng tham gia hoạt động với một số anh chị khuyết tật tại Hope Center, Huế. Các thành viên ở lứa tuổi từ 11 - 18 tuổi.
CLB có lịch sinh hoạt cố định vào thứ 5 hàng tuần, đồng thời, xây dựng một không gian mở để các bạn có thể đến tham gia vào các ngày khác trong tuần. Không bị bó hẹp về mặt thời gian, các bạn học sinh đều tích cực sắp xếp và sôi nổi tham gia hưởng ứng.
Chia sẻ thêm về tiêu chí lựa chọn thành viên CLB, Duy Anh cho biết: “Đầu tiên, chúng mình hướng đến tinh thần ham học hỏi, sự nhiệt tình và thái độ tốt. Vì thế, dù bạn chưa khéo tay nhưng chỉ cần cố gắng tham gia các buổi sinh hoạt sẽ được hướng dẫn chi tiết và tận tình từng bước tạo ra các sản phẩm.
Các bạn thường mất 2 đến 3 buổi để thuần thục được những kĩ năng đơn giản, có những bạn khéo tay hơn thậm chí chỉ mất 1 buổi để nắm rõ quy trình”.
Đồng hồ được tạo ra từ vỏ mì tôm |
Hướng đến bảo vệ môi trường
Sau khi CLB Mì Tôm Xanh đăng tải các sản phẩm, không chỉ trong phạm vi trường Vinschool mà ở khắp nơi trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều nơi mọi người đều ủng hộ và đăng kí làm cộng tác viên cho dự án.
Các bạn cộng tác viên có nhiệm vụ thu gom vỏ mỳ, làm sạch, tập kết tại một điểm cụ thể sau đó đóng gói và gửi đến CLB Mì Tôm Xanh. Ngoài ra cô Thảo cũng thường xuyên đăng tải video hướng dẫn để các cộng tác viên có thể tự tái chế ngay tại nhà.
Sau khi các sản phẩm được tạo ra và bày bán, toàn bộ doanh thu đều được đóng góp cho các Quỹ TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lũ lụt, Covid-19, Quỹ “Cặp lá yêu thương” và khách hàng trực tiếp chuyển khoản tới các cá nhân khó khăn mà Mì Tôm Xanh chỉ định.
Giá thành của các sản phẩm giao động từ 100.000 - 300.000 đồng và khách hàng sẽ thanh toán cho sản phẩm bằng việc chuyển khoản trực tiếp cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Cặp lá yêu thương”.
Cô Thảo chụp ảnh cùng các thành viên CLB |
Để dự án ngày càng được mở rộng, cô Thảo và các thành viên CLB Mì Tôm Xanh còn tiến hành dạy lại cách làm sản phẩm cho cô giáo, phụ huynh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người sinh sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Tạo cơ hội cho người yếu thế có công ăn việc làm ổn định mà không tốn kém chi phí cho nguyên liệu.
Không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, CLB Mì Tôm Xanh còn hy vọng, dự án sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề mây tre đan Việt Nam. Phát triển giá trị của cách đan truyền thống nhưng không sử dụng sợi mây tre mà thay vào đó là sử dụng nguyên liệu từ vỏ mì tôm để tạo thành những sản phẩm độc đáo và sáng tạo.
Các sản phẩm của CLB Mì Tôm Xanh |
"Thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục chia sẻ các sản phẩm mới lên các trang mạng xã hội để nhiều người biết đến CLB hơn. Song song với đó, chúng em sẽ cố gắng tham gia các cuộc thi, diễn đàn để được tiếp cận với nhiều chuyên gia cùng lĩnh vực ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Đó sẽ là cơ hội, là “cánh tay nối dài” để nâng cao ý thức cộng đồng với môi trường sống của chúng ta. Điều quan trọng, chúng em cũng muốn được giảng dạy kĩ năng cho nhiều nhóm đối tượng yếu thế, giúp họ cải thiện cuộc sống mưu sinh, đồng thời hăng hái hơn trong công tác bảo vệ môi trường, cùng hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam", Duy Anh nói.
Những thành tích ấn tượng của CLB Mì Tôm Xanh: Giải Ba cuộc thi Sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” 2020, do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức Giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp về Môi trường “ECO–N” 2021 Diễn giả “STS Save The World - E-sharing Activity” 2022, workshop về môi trường cho các bạn học sinh tại Đông Nam Á Giải Nhất Thử thách Thiết kế Đời sống tuần hoàn “Circular Living Challenge” 2022, do Quỹ Fab City kết hợp cùng các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc. Top 4 Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa” 2023, được tài trợ thực hiện tại Huế, do WWF. |