Sức trẻ thanh niên Hà Nội

55 năm đã trôi qua kể từ những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử ấy – ngày 9/8/1964, phong trào “Ba sẵn sàng” đã thổi bùng ngọn lửa Cách mạng và lòng yêu nước trong lòng hàng vạn thanh niên Thủ đô để họ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng nhập ra nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.
10 dấu ấn đậm nét của phong trào thanh niên Việt Nam năm 2019 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 Tuổi trẻ Thủ đô luôn sát cánh cùng các đơn vị Quân đội

Từ phong trào chung của cả nước...

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn từng viết: "Người thanh niên năm ấy sẵn sàng đi xa, làm đủ công việc vất vả, ăn uống thế nào cũng xong, không cần tiện nghi, miễn làm sao làm được công việc có ích. Tất cả như mê đi trong một niềm say mê lí tưởng cao quý".

Trong những năm tháng kháng chiến, thanh niên được lôi cuốn vào các hoạt động tập thể và phong trào thi đua. Họ cũng luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào đó. Những trò chơi, dù được thiết kế đơn giản nhưng luôn hướng thanh niên vào suy nghĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với Tổ quốc. Ví dụ như trò chơi "Đi xe đạp và viết chữ lên bảng", người chơi phải ngồi trên xe đạp và viết chữ Tốt, hàm ý phấn đấu đạt kết quả tốt trong hoạt động sản xuất. Ở một góc khác, những kết quả sáng tạo khoa học của sinh viên được ứng dụng để mô tả lại cuộc chiến đấu chống các đợt không kích của máy bay Mỹ. Trên đường phố, những cuộc thi về các môn thể thao quốc phòng được tổ chức thường xuyên và việc rèn luyện các môn thể thao này trở thành một tiêu chí phấn đấu của thanh niên.

suc tre thanh nien ha noi
Lễ xuất quân chương trình "Tuổi trẻ Thủ đô chung sức trẻ xây đắp tình hữu nghị"

Đây cũng là giai đoạn thanh niên say mê về câu chuyện Paven Corsaghin trong cuốn sách nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" và cả những điển hình về lí tưởng cống hiến mà họ được nhìn thấy tận mắt. Trong các cuộc mít tinh, thanh niên, sinh viên luôn thảo luận với nhau về mục đích, lí tưởng sống, về động cơ làm việc. Không có chỗ cho những suy nghĩ cá nhân hoặc sự hưởng thụ mà chỉ có suy nghĩ cho tập thể và sự cống hiến.

Ông Nguyễn Hữu Trác, 65 tuổi, nhà ở quận Nam Từ Liêm, cựu thanh niên xung phong giai đoạn 1964 - 1972 kể lại: "Thời kì đó, chúng tôi được anh hùng lao động Hồ Giáo tới nói chuyện. Cuộc nói chuyện rất hấp dẫn. Câu chuyện chỉ xoay quanh việc anh Hồ Giáo được giao nhiệm vụ trên nông trường, việc nuôi trâu nuôi bò, thức trắng đêm đỡ đẻ cho bò... Với chúng tôi thời đó và ngay cả bây giờ, hình ảnh đó rất đỗi tuyệt vời, chắc chắn là hơn rất nhiều so với thần tượng nghệ thuật của giới trẻ ngày hôm nay".

...Đến phong trào "Ba sẵn sàng"

Ông Vũ Hữu Loan - nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kì "Ba sẵn sàng" nhớ lại: “Năm 1964, cả Thành đoàn Hà Nội lúc đó thức suốt đêm chuẩn bị phương án, cuối cùng đi đến quyết định phát động phong trào "Ba sẵn sàng" và quyết định ngày 9/8 sẽ có cuộc Mít tinh lớn. Sau khi đọc lời kêu gọi, đoàn tuần hành đi dọc hồ Hoàn Kiếm và đến Nhà hát Lớn Hà Nội hô khẩu hiệu, tất cả mọi người đứng dậy hoan nghênh và biểu thị thái độ sẵn sàng chiến đấu chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến”.

Từ Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan tỏa nhanh đến các tỉnh, thành phố, thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc náo nức “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở cho sự ra đời và phát triển của các phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” và phong trào “5 xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. Từ đất thiêng Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, phong trào "Ba sẵn sàng" đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ.

Phong trào "Ba sẵn sàng" được ví như "mồi lửa" thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như "củi khô" chờ được “đốt cháy”. Thời đó, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, tất cả thanh niên trong các trường học cấp 3, đại học, công xưởng, nhà máy đến các nông trường, đường phố, cơ quan, thôn, bản… đều thể hiện quyết tâm sẵn sàng cho cuộc quyết chiến lịch sử.

Từ phong trào "Ba sẵn sàng", hàng ngàn sinh viên, học sinh đã viết thư bằng máu xin được ra trận. Nhiều người đang du học ở Liên Xô (cũ) tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận.

Những người sống lâu năm ở Hà Nội vẫn còn lưu nhớ về việc hàng tối là đường phố Hà Nội rầm rập bước chân của thanh niên, sinh viên trong các cuộc mít tinh, tuần hành cùng với những tiếng hô "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần".

Hàng vạn thanh niên Hà Nội đã lên đường, đi đến khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với thanh niên cả nước, những người con của Hà Nội đã có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Họ noi theo tấm gương của những nhân vật được coi là điển hình về sự cống hiến của Tổ quốc và đến lượt họ lại trở thành những tấm gương điển hình cho những thế hệ sau noi theo.

Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Thùy Trâm là nữ sinh trường Bưởi - Chu Văn An và trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hi sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề. Trước khi hi sinh 2 ngày, chị vẫn đang viết dở cuốn nhật kí, nội dung là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Thạc sinh ra và lớn lên tại làng Bưởi, một học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Ngày 6/9/ 1971, anh đã cùng với 21 sinh viên của K15 Toán - Cơ và nhiều sinh viên khác gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rời nghiệp bút nghiên, anh Thạc cùng hàng ngàn sinh viên Thủ đô lên đường chiến đấu. Sau 6 tháng huấn luyện, tháng 4/1972, anh bắt đầu hành quân vào chiến trường và cuốn nhật kí "Chuyện đời" ra đời trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ ngày 2/10/1971 đến ngày 3/6/1972). Trước khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, từ ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), anh đã gửi cuốn nhật kí cùng nhiều lá thư về cho anh trai mình. Hai tháng sau, ngày 30/7/1972, anh đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị. Những thanh niên Hà Nội như chị Trâm, anh Thạc đã cống hiến, hi sinh tuổi hai mươi của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước như thế đó.

Tiếp lửa truyền thống, phong trào thanh niên tình nguyện và nay là phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tôi yêu Hà Nội” đã gặt hái được những thắng lợi to lớn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ Thủ đô và đất nước. Thắng lợi ấy có thể kể đến bằng ý nghĩa nhân văn, sức lan tỏa rộng rãi trong từng hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn thanh niên thành phố: Uống nước nhớ nguồn – Đền ơn đáp nghĩa, Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Các đội hình tình nguyện tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long – Hà Nội, Đội phản ứng nhanh về giao thông, Đội hình 3+, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Khăn hồng tình nguyện, Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Hoạt động tình nguyện quốc tế “Chung sức trẻ xây đắp tình hữu nghị” tại nước bạn Lào…

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động