Sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã đến mức tới hạn
Doanh nghiệp đói vốn, hoàn thuế vẫn chậm Phó Thống đốc: Các doanh nghiệp phải khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm, nguồn vốn |
Sáng 5/8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng vừa qua cơ bản ổn định.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, bộc lộ rõ nét hơn trước các thách thức từ bên ngoài, nhất là từ cuối năm 2022 và trong những tháng đầu năm 2023, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Theo Bộ trưởng, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, nhiều chỉ tiêu, chỉ số đã cải thiện hơn, tạo đà cho quý III và cả năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 62,7% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (34,47%) với số tuyệt đối cao hơn gần 81.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.
Do đó, theo ông Dũng cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng áp lực tăng trưởng là rất lớn nên cần thúc đẩy hơn nữa các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư công) và xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh tới đây, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an sinh, đời sống người dân; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vướng mắc; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả...