Sửa Luật Thủ đô cần quan tâm hơn đến phát triển du lịch, văn hóa
Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thu hút nhân tài cho Thủ đô Cần thể chế thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô |
Tuần trước, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu cho ý kiến lần đầu.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô hiện hành nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành luật.
Qua đó nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương). |
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) tỏ ra băn khoăn khi xuyên suốt dự thảo luật không đề cập gì đến vấn đề phát triển du lịch.
Trong khi đó, Hà Nội là địa phương hết sức nổi tiếng trong bản đồ du lịch thế giới và trong lòng của nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, ông đã nêu rõ, hiện nay không chỉ ở TP Hà Nội mà nhiều thành phố khác cũng chưa được thể chế hóa và tổ chức thực hiện việc phát triển du lịch bền vững một cách có hiệu quả.
Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải có một chương, một điều làm rõ việc phát triển du lịch của Hà Nội với những chính sách đặc thù.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh). |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ quan tâm đến quy định về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hoá, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa (Điều 23).
Theo đại biểu Hà, quy định này của dự thảo luật kế thừa nội dung tại Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành, thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó có quy định về việc ưu tiên phát triển văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển sáng tạo.
Theo báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa Thủ đô có những bước phát triển nhất định, đặc biệt số lượng di tích đứng đầu cả nước, với gần 6.000 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới, dẫn đầu về số lượng nghệ nhân trong cả nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng.
"Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa phát triển, sáng tạo", đại biểu Nguyễn Thị Hà chia sẻ.