Sửa luật để hạn chế sự cố rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng

Việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng phát sinh trong thời gian gần đây.
Có 4 - 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là "hết sức nguy hiểm" Ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh việc duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện đã phát sinh bất cập.

Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cũng sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các ngân hàng yếu kém, hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây.

Sửa luật để hạn chế sự cố rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn nhằm mục đích sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng.

Mặt khác cũng nhằm xây dựng công cụ để quản lý các ngân hàng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn hướng tới mục tiêu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các ngân hàng; có công cụ kiểm soát của Chính phủ; tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm cả quản lý, phê duyệt nhân sự quản trị điều hành.

Đồng thời, việc sửa luật để có quy định kịp thời xử lý khi ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Trong trường hợp cấp bách, đặc biệt thì tổ chức tín dụng được vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm; tuy nhiên cần bảo đảm thu hồi tối đa khoản vay, hạn chế tối đa thiệt hại.

Với các nội dung sửa đổi, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng…

Hậu Lộc
Phiên bản di động