Sự thật sau nhiều ca mổ không thành công của Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Bệnh nhân sau khi được mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thì bị viêm, nhiễm trùng mắt. Trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo Bệnh viện, nhiều nguyên nhân được chỉ ra.
su that sau nhieu ca mo khong thanh cong cua benh vien mat thai nguyen

Như Tuổi trẻ & Pháp luật đã thông tin trước đó về việc nhiều “ca - kíp” phẫu thuật mắt, mổ mắt không thành công của Bệnh viện Mắt Thái Nguyên khiến dư luận hoang mang về trình độ của các y, bác sĩ nơi đây.

Để rộng đường dư luận, ngày 11/3 phóng viên (PV) đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Quang Thọ - Phó Giám đốc, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Tại buổi làm việc ông Thọ xác nhận các trường hợp: Nguyễn Đức Thu (sinh năm 1955); Lê Duy Khánh (sinh năm 2016); Lê Văn Ngọc; Hoàng Thị Chinh (65 tuổi) như báo chí nêu đều là những bệnh nhân đã chữa trị tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.

“Đối với trường hợp của ông Nguyễn Đức Thu là bệnh nhân vào viện thay thủy tinh thể. Tất cả quy trình trước mổ cho bệnh nhân là đầy đủ, còn những biến chứng xảy ra trong quá trình phẫu thuật thuật thì tôi giải thích như sau: bệnh nhân này bị đục thủy tinh thể bao sau - là một trong những hình thái khó tiên lượng. Sau khi báo chí phản ánh thì hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã yêu cầu kíp mổ làm bản trường trình về diễn biến ca mổ. Người phụ trách kíp mổ là bác sỹ Nguyễn Mạnh Quỳnh. Qua báo cáo vắn tắt với hội đồng chuyên môn thì bác sỹ Quỳnh mô tả: trong quá trình Phaco, gần kết thúc ca mổ thì phần chất nhân dính vào bao sau quá chặt cho nên bác sỹ Quỳnh đã dừng phẫu thuật, nếu cố tình xử lý sẽ có nguy cơ thủng bao sau.”

Để thông tin được rõ ràng hơn, PV đề xuất xin được tiếp cận bản tường trình của Bác sỹ Nguyễn Mạnh Quỳnh. Tuy nhiên ông Thọ cho hay, bản tường trình này đang yêu cầu bác sỹ Quỳnh làm lại do thiếu ngày tháng và trình bày văn bản chưa chuẩn nên chỉ cho PV xem. Đồng thời mong phóng viên thông cảm, không chụp lại.

Cơ bản trong bản tường trình bác sỹ Quỳnh có mô tả lại quá trình phẫu thuật chữa trị cho bệnh nhân Thu. Theo đó, ngày 15/1 sau khi làm các thủ tục theo quy trình, lãnh đạo bệnh viện hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân bị đục thủy tinh thể (TTT) hai mắt và phân công bác sỹ Quỳnh trực tiếp phẫu thuật thay tinh thể bị đục cho mắt trái của bệnh nhân này.

Bác sỹ Quỳnh tường trình: Trong khi phẫu thuật, ở thì Phaco, phát hiện phần chất nhân dính vào bao sau quá chặt, đồng thời ở vị trí 1 giờ (Vị trí mô phỏng theo đồng hồ - PV) có vết rách khoảng 3mm của bao sau, nên ngay lập tức đã cho dừng phẫu thuật bởi tiếp tục phẫu thuật nguy cơ thủng bao sau rất cao và để lại biến chứng do hình thái này rất khó tiên lượng.

Ngay sau khi phẫu thuật, sáng 16/1 bác sỹ Quỳnh đã khám lại mắt trái cho bệnh nhân Thu. Quá trình khám, thấy còn sót một ít chất nhân lồi lên bám vào bao sau nên đã hội chẩn lại với lãnh đạo bệnh viện và tiến hành rửa hút chất nhầy. Mặc dù cố gắng dùng các thủ thuật nhưng chất nhân vẫn bám rất chắc vào TTT của bệnh nhân Thu. Bệnh viện tiếp tục hội chẩn ban lãnh đạo và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Mắt Trung Ương để điều trị tiếp.

“Tôi nhận thấy đây là ca phẫu thuật có biến chứng rách bao sau của phẫu thuật Phaco…Vậy tôi làm bản tường trình này để báo cáo với Hội Đồng chuyên môn được biết. Đây cũng là bài học để tôi nhìn nhận và đánh giá rút kinh nghiệm sâu sắc lại những hạn chế, khiếm khuyết của bản thân trong quá trình hành nghề. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng học hỏi và rèn luyện nhằm giúp ích cho bản thân tốt hơn nữa trong công tác khám chữa và phục vụ người bệnh.” – Cuối bản tường trình bác sỹ Quỳnh cũng nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm.

Như vậy qua bản tường trình của bác sỹ Quỳnh thì việc ông Thọ chia sẻ thông tin đối với báo chí là chưa đầy đủ. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thiếu trách nhiệm, năng lực của bác sỹ Bệnh viện trong kíp mổ thay TTT cho bệnh nhân Thu còn hạn chế?

Được biết phẫu thuật Phaco (viết tắt của phacoemulsification) là một phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tiên tiến. Phẫu thuật viên lấy thủy tinh thể bị đục (cườm khô) ra bằng cách sử dụng sóng siêu âm nhũ tương hóa thủy tinh thể, nghĩa là phẫu thuật viên làm cho nó nhão ra và tách thành nhiều mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài. Sau đó phẫu thuật viên đặt trở vào một thủy tinh thể nhân tạo (gọi là kính nội nhãn-IOL). Mổ Phaco đòi hỏi phẫu thuật viên nhiều kỹ năng hơn. Bên cạnh tay nghề, phẫu thuật viên phải biết sử dụng thành thạo thiết bị hỗ trợ. Một phẫu thuật viên mổ Phaco phải được đào tạo ít nhất 1 năm và mất 3 năm tích lũy kinh nghiệm. Nếu phẫu thuật viên không được đào tạo bài bản, chưa làm chủ được máy, sẽ gây ra những biến chứng không lường trước cho bệnh nhân.

Thùy Linh - Hoài An
Phiên bản di động