Sông Hồng sẽ là biểu tượng phát triển mới của Thủ đô Hà Nội
Bộ Chính trị nhấn mạnh 7 nội dung trọng tâm về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội Cần có quy định về khai thác các dòng sông |
Đây là một trong những nội dung được Bộ Chính trị lưu ý nhấn mạnh tại Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, Bộ Chính trị lưu ý đặc biệt cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hoá, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 diễn ra cuối tháng 3/2024, HĐND TP Hà Nội đã Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Đồ án, sông Hồng sẽ là biểu tượng phát triển của Thủ đô.
Bởi lẽ, sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Sông Hồng hội tụ đủ yếu tố xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. |
Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học - công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển. Trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng…
Trục sông Hồng được phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Huyện Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết huyện Phú Xuyên dài 30km, được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.
Hà Nội định hướng xây dựng trục không gian cảnh quan sông Hồng gắn với kế hoạch phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng.
Việc phát triển trục sông Hồng gắn với lộ trình từng giai đoạn, trước mắt ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian xanh sinh thái, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị.
Đồng thời xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, chủ trương của Trung ương và thành phố Hà Nội đã định hướng rõ việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng.
Theo định hướng quy hoạch, hệ thống công viên ven sông được xác định với diện tích 4.200ha toàn tuyến, trong đó có 3.858ha diện tích 9 bãi sông và 342ha diện tích bãi giữa sau khi chỉnh trị sông Hồng, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các dòng sông có đê được Thủ tướng Chính phủ duyệt.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) được thành phố phê duyệt năm 2022, khu vực bãi giữa sông Hồng được định hướng quy hoạch thành hệ thống công viên cây xanh, cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, các quảng trường đô thị và công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Hướng tới cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp cùng các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông.
Theo các nhà quản lý cũng như chuyên gia quy hoạch đô thị, thành phố Hà Nội đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi, những định hướng rõ nét để phát triển khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sông. Trục cảnh quan sông Hồng dần được hiện thực hóa từ những bước đi đầu tiên nhằm biến đổi thành không gian xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn.