Cần có quy định về khai thác các dòng sông
Huyền tích về ngôi đình thiêng bên dòng sông Mẹ Trải nghiệm hành trình “Dòng sông lụa” gợi lại ký ức dâu tằm xưa |
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường có như thế, các dòng sông chảy qua địa bàn Thủ đô mới trở thành các trục cảnh quan, không gian phát triển.
Luật hóa việc khai thác các dòng sông
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá cao dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung theo tinh thần quy định mang tính khái quát, không đi vào chi tiết từng chính sách nhỏ. Đồng thời đã thể hiện được tinh thần phân cấp, trao quyền cho Thủ đô tự quyết định các tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức phát triển áp dụng trên nguyên tắc không thấp hơn các quy định chung.
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Thủ đô (sửa đổi) ghi: "Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ".
Góp ý vào khoản này, GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, chúng ta cần phải luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông. Để sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của TP, để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.
GS.TS Hoàng Văn Cường |
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, hiện nay, hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và không thể tổ chức khai thác vì vướng vào Quyết định 257 của Chính phủ về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình; làm cho đất vàng hai bên bờ sông tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang hai bên sông ở các tỉnh khác.
Vì vậy, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có các quy định về khai thác bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang gồm: Hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên; quy định hành lang thoát lũ vào mùa lũ; hàng lang bảo vệ để ngăn lũ. Có như thế, các dòng sông chảy qua địa bàn Thủ đô mới trở thành các trục cảnh quan, không gian phát triển.
Quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá
Cùng góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội cùng với các đô thị lớn của Việt Nam như: TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đang gánh vác những trọng trách như vậy.
“Tôi đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô Hà Nội trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị.
Cầu Nhật Tân nối hai bên bờ sông Hồng (ảnh IT) |
Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho TP Hà Nội, nhất là khi một số quy định về điều chỉnh quy hoạch đã được thể hiện tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hải Phòng và mới đây nhất là TP HCM đã được cho phép.
Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều khoản để làm sao cho việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.