Sở Y tế TP HCM cấp “liều” hàng loạt phiếu công bố mỹ phẩm có thể diệt khuẩn, khử khuẩn
Để phục vụ người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh Covid-19, các sản phẩm rửa tay khô, xịt khuẩn ra đời ngày một nhiều. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số cơ quan quản lý nhà nước xuất hiện tình trạng công bố, chứng nhận chưa chính xác cho các sản phẩm sát khuẩn tay, rửa tay khô.
Rất nhiều sản phẩm là chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế nhưng lại được công bố là mỹ phẩm để thoát khỏi một số quy định ngặt nghèo trong lĩnh vực Y tế.
Sở Y tế TP HCM cấp “liều” hàng loạt phiếu công bố mỹ phẩm diệt khuẩn |
Theo tìm hiểu của báo Tuổi trẻ Thủ đô hiện nay sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu cấp "nhầm" hàng loạt các sản phẩm diệt khuẩn, khử trùng là mỹ phẩm. Tiêu biểu như các sản phẩm:
- “Xịt rửa tay diệt khuẩn” thuộc nhãn hàng Teena Cosmetics được sở Y tế TP.HCM cấp cho Công ty TNHH Medina Pharma Việt Nam số công bố 642/20/CBMP-HCM
- “Xịt rửa tay khử khuẩn” thuộc nhãn hàng Teena Cosmetics được sở Y tế TP.HCM cấp cho Công ty TNHH Medina Pharma Việt Nam số công bố 643/20/CBMP-HCM
- “Dung dịch kháng khuẩn khử trùng” thuộc nhãn hàng DNA Miracle 68 được sở Y tế TP.HCM cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Huyền Trần Beauty số công bố 857/20/CMMP-HCM
- “Gel rửa tay khô kháng khuẩn 999” thuộc nhãn hàng Chériskin được sở Y tế TP.HCM cấp cho Công ty TNHH Chéri số công bố 898/20/CBMP-HCM
- “Dung dịch sát khuẩn nhanh” thuộc nhãn hàng Doctor OZ được sở Y tế Tp.HCM cấp phiếu công bố cho Công ty TNHH số 563/20/CBMP-HCM
Ngoài những sản phẩm nêu trên, thì còn nhiều các sản phẩm khác có ghi tính năng diệt khuẩn, khử khuẩn nhưng lại được sở Y tế TP.HCM cấp “liều” cho phiếu công bố là mỹ phẩm.
Hầu hết các phiếu công bố đều được ký và đóng dấu tên bà Phạm Thị Thanh Huyền trưởng phòng quản lý dịch vụ Y tế (sở Y tế TP.HCM).
Nếu sản phẩm được công bố là mỹ phẩm thì không đủ điều kiện để có tính năng diệt khuẩn |
Tại Điều 2 phần giải thích thuật ngữ của Thông tư 06/2011/TT-BYT đã nêu rõ: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Cần làm rõ việc sở Y tế TP.HCM cấp hàng loạt phiếu công bố là mỹ phẩm có thể diệt khuẩn |
Còn theo quy định của pháp luật, việc sản xuất và kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế hiện nay được Nhà nước thống nhất quản lý bởi Nghị định 91/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.
Nghị định này quy định chặt hơn về các điều kiện sản xuất, đăng ký lưu hành, kinh doanh, bảo quản… chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế và gia dụng.
Đặc biệt, ngày 17/2, Cục Quản lý môi trường y tế đã có công văn số 205/MT-CSHC đề nghị rà soát quy định quản lý đối với nhóm sản phẩm trên.
|
Để thực hiện đúng các quy định về quản lý trang thiết bị y tế, ngày 18/2, Bộ Y tế cũng đã có công văn hỏa tốc số: 747/BYT-TB-CT gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra hồ sơ công bố đối với sản phẩm chế phẩm, diệt khuẩn tay không dùng nước.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố không tiếp nhận hồ sơ mới đề nghị và thực hiện kiểm tra, thu hồi các phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A đối với các sản phẩm chế phẩm, diệt khuẩn tay không dùng nước. Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật.
Việc công bố các sản phẩm có nêu tính năng diệt khuẩn, khử khuẩn là mỹ phẩm vô tình đã tạo khó khăn trong việc quản lý, thậm chí còn gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng.
Bởi vì nếu sản phẩm có tính năng diệt khuẩn, khử khuẩn dùng trong gia dụng và Y tế thì phải được khảo nghiệm khả năng diệt khuẩn và đánh giá an toàn cho người sử dụng bởi các cơ quan chức năng như: Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ.
Còn hồ sơ để công bố mỹ phẩm đơn giản hơn nhiều, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ).
(Còn nữa...)