Số hóa tiêu thụ nông sản giúp bà con vùng dân tộc
Cơ hội cho nông sản Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Quốc Chủ tịch Quốc hội: Ngăn rủi ro "bắt sóng" xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước |
Theo ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ nông sản, thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Postmart, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử.
Ảnh minh họa. |
Ông Sơn cho rằng, giữa các thành phố lớn và địa phương có một sự chênh lệch rõ rệt, từ nhiều yếu tố trong thương mại điện tử.
Đơn cử như trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, rồi hạ tầng liên quan đến logistics, rõ ràng là việc mà vận chuyển một đơn hàng từ các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội về Hà Nội sẽ dễ hơn so với việc là từ khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xuống các thành phố lớn.
“Việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các nền tảng thương mại điện tử mới chỉ dừng ở việc quảng bá, giá trị bán hàng còn thấp”, ông Nguyễn An Sơn nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Huyền - Trưởng phòng Kinh doanh Online Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (chủ đầu tư sàn thương mại điện tử Postmart.vn) chia sẻ, trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản tươi thì vấn đề logistics luôn là một bài toán rất là nhức nhối.
Theo bà Huyền, nếu nông sản tươi của bà con đáp ứng được sản lượng như vải Bắc Giang thì bài toán về logistics rất dễ. Nhưng mà với những sản phẩm nông sản mà sản lượng nhỏ và thời gian bảo quản ngắn thì lúc đó khâu vận chuyển sẽ rất khó.
Do đó, bà Huyền cho rằng, trong bài toán tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản tươi thì câu chuyện logistics đặt ra là khi kể cả đã có một chuỗi logistics rất hoàn thiện từ khâu đóng gói, đến bảo quản rồi nhưng cũng vẫn phải chọn lựa làm sao để sản phẩm đó đáp ứng được đặc tính là rủi ro thấp nhất có thể.
Bà Huyền cho biết, sắp tới, đề án về logistics cho nông sản tươi sẽ được Bưu điện Việt Nam triển khai trong năm 2024 cũng nằm trong nhiệm vụ hỗ trợ này.
"Hy vọng rằng, sang năm 2024, dự án này sẽ được triển khai và lúc đó tôi nghĩ bài toán logistics sẽ được giải quyết và mang lại hiệu quả hỗ trợ tốt nhất cho bà con nông dân", bà Huyền chia sẻ.