Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao là thực tế đáng suy ngẫm

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), cần quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, để từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Đề nghị Chính phủ đánh giá vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp Doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh đầu tư ra nước ngoài Doanh nghiệp phá sản tăng cao

Chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận ngày 29/5, đại biểu Nguyễn Hữu Thông ghi nhận trong bối cảnh hết sức khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, được cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh tác động đến tâm trạng khiến cử tri, Nhân dân băn khoăn lo lắng. Từ thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm.

Nêu vấn đề về số liệu số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng đây là thực tế đáng suy ngẫm.

Theo đại biểu tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao là thực tế đáng suy ngẫm
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận).

Từ đó, đại biểu kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…

Tương tự, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.

Đại biểu đánh giá cao các giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn.

Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.

Đại biểu nêu rõ, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19, do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo.

Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu cho rằng phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.

Hậu Lộc
Phiên bản di động