“Siết” chặt hóa đơn, chống buôn lậu để bình ổn thị trường vàng

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ về quản lý hóa đơn điện tử và chống buôn lậu vàng để góp phần kiểm soát giá vàng, bình ổn thị trường.
Đấu thầu vàng đã có sức hút hơn

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định ngày 14/5, một số người dân đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về sự biến động của thị trường vàng thời gian vừa qua và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cần kiến nghị Chính phủ làm rõ công tác quản lý giá vàng để “giá vàng không nhảy múa”…

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần quyết liệt triển khai việc cửa hàng vàng bán vàng ra phải xuất hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, tập trung chống buôn lậu tại các cửa khẩu để tránh tình trạng buôn lậu vàng.

“Quản lý vàng thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nhưng chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ về quản lý hóa đơn điện tử và chống buôn lậu vàng để góp phần kiểm soát giá vàng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Tại tại phiên họp thứ 33 diễn ra ngày 13/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, những năm gần đây do ảnh hưởng dịch COVID-19, lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước tăng theo.

“Siết” chặt hóa đơn, chống buôn lậu để bình ổn thị trường vàng
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch giá trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.

Theo ông Hà, nguyên nhân chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế chủ yếu do giá thế giới tăng khi kim loại quý trong nước phụ thuộc thị trường quốc tế. Cùng với đó là do nguồn cung vàng trong nước hạn chế.

Về giải pháp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung cho thị trường. Việc này nhằm ổn định giá, giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hoá đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công thương… kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định 24/2012.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nói Chính phủ, Thủ tướng hết sức đau đầu vấn đề này. Ông cho rằng, thị trường này cần kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ, nếu không rất khó.

Nếu vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, giao dịch vàng hiện nay người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn, doanh nghiệp cũng chưa xuất hóa đơn theo từng lần bán. Hiện, Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc xuất hóa đơn giao dịch vàng theo từng lần bán trong quý II năm nay.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá toàn diện thị trường, xem nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào, cần đánh giá kỹ, bình tĩnh để tìm giải pháp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động