Sau sự cố môi trường, doanh nghiệp bồi thường như thế nào?
Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà: Xin lỗi, miễn cước nước 1 tháng
Sáng ngày 25/10, 17 ngày sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, công ty này đã gửi thông cáo báo chí xin lỗi người dân bị ảnh hưởng và tuyên bố miễn phí nước của tháng xảy ra vụ việc.
1 tháng tiền nước tương đương với khoảng 5 mét khối/người. Tính ra với 25 vạn dân bị ảnh hưởng, công ty sông Đà mất đi khoảng 80 tỷ đồng.
TCBC gửi lời xin lỗi của công ty nước sạch sông Đà |
Trong vụ đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà, theo lời TGĐ Nguyễn Văn Tốn, công ty có thông báo cho cơ quan chức năng, thuê người dọn dầu thải và tăng gấp đôi lượng clo xử lý nước. Tuy nhiên, công ty tuyệt nhiên không có một thông báo nào gửi cho 250.000 khách hàng của mình.
Tại thông cáo báo chí sáng 25/10, công ty thừa nhận lúc ban đầu công ty chưa có kịch bản ứng phó tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra dẫn đến việc đảo lộn cuộc sống của người dân.
Dù cam kết sẽ có phương pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp như trên nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi: xin lỗi, miễn cước 1 tháng tiền nước liệu công ty nước sạch sông Đà đã hết trách nhiệm?
Biết nguồn nước nhiễm dầu thải, công ty nước sạch sông Đà vẫn xử lý bằng clo và bán cho dân |
Theo Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Giám đốc Công ty Luật Phúc Quang, việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước khiến hàng nghìn người dân tại Thủ đô Hà Nội không thể sử dụng nước sạch ngoài việc khởi tố các đối tượng đổ trộm dầu thải, cần khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng
Luật sư Tâm phân tích: Qua sự việc, có thể thấy quy trình hoạt động sản xuất, xử lý nước của nhà máy nước Sông Đà có vấn đề. Việc nước ô nhiễm vào nhà máy, không được xử lý, phát hiện mà vẫn sản xuất, cung cấp cho người dân là vấn đề nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần làm rõ thiếu sót, lỗ hổng về chuyên môn, do quy trình lạc hậu, hỏng hóc hay do cả hệ thống của nhà máy. Nước sạch là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống, không thể để tình trạng này lặp lại một lần nào nữa. Cần có phương án sản xuất, cung cấp nước và ứng phó sự cố một cách an toàn, khoa học. Nếu cần, phải đập bỏ cái cũ, lạc hậu để xây dựng quy trình, nhà máy mới. Việc đảm bảo an toàn nước sạch cho người dân là tối quan trọng.
Công ty Rạng Đông: Không xin lỗi, tặng phích cho dân Hạ Đình
Vụ cháy kho nhà máy Rạng Đông xảy ra vào tháng 9/2019 khiến khoảng 15,2 - 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân trong khu vực bán kính 500m tính từ nhà máy. Hàng ngàn người đã phải đi khám và tư vấn sức khỏe.
Cháy kho nhà máy Rạng Đông làm phát tán cả chục kg ra môi trường |
Thế nhưng người dân tuyệt nhiên không nhận được lời xin lỗi nào từ đại diện nhà máy này. Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông chỉ có một động thái duy nhất là tặng phích nước cho người dân xung quanh khu vực nhà máy.
Theo các luật sư, trong vụ cháy gây ra thảm họa môi trường này, công ty Rạng Đông vẫn phải bồi thường dù không có lỗi.
Các luật sư phân tích: với sự cố xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nếu xác định doanh nghiệp này biết rõ lượng hóa chất phát tán vào không khí gây nghiêm trọng nhưng cố tình bưng bít, đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng việc khắc phục sự cố, không tham gia khắc phục sự cố môi trường thì có thể truy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp để xử lý hình sự.
Người vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị xử lý theo Điều 237 Bộ luật Hình sự, với khoản tiền phạt tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất 3 năm.
Theo luật sư, để xảy ra sự cố liên quan việc thủy ngân bị phát tán ra môi trường thì ngoài bị truy cứu hình sự, các tổ chức hay cá nhân sử dụng chất độc hại (nguồn nguy hiểm cao độ) còn phải bồi thường thiệt hại.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có ai đứng ra khởi kiện, đòi công ty Rạng Đông bồi thường.
Núi rác Cam Ly đổ xuống thung lũng: UBND TP Đà Lạt bước đầu hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ dân
Vào tháng 8/2019, sau trận lũ lịch sử, một núi rác từ đồi Cam Ly đã đổ ập xuống khu vực thung lũng, ảnh hưởng tới hàng chục hộ dân.
Sau vụ việc, các cơ quan hữu trách thuộc UBND TP.Đà Lạt đã rà soát, kiểm tra tình trạng nguồn gốc đất các hộ dân canh tác tại đây để tính toán, hỗ trợ người dân; đồng thời đề xuất thu hồi diện tích đất trên (khoảng 1ha), do lượng rác bị đổ ngập sâu 2-3m đất canh tác của 7 hộ dân, không thể khắc phục. UBND thành phố bước đầu hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo Luật sư Nguyễn Quang Tâm, trong sự cố này, chính quyền thành phố Đà Lạt và Công ty quản lý bãi rác là nơi chịu trách nhiệm chính cho vụ việc. Cảnh sát môi trường sẽ thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình để có kết luận nguyên nhân sự cố môi trường này.
Trước hết, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc đưa bãi rác Cam Ly hoạt động trở lại đã thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục hay không? Đã hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi phê duyệt vị trí của bãi rác hay không? Năm 2016, thành phố Đà Lạt đã tạm dừng hoạt động bãi chôn lấp rác thải Cam Ly vì chưa đủ tiêu chuẩn. Vậy lý do tại sao lại tái hoạt động?
Phải xử phạt các cá nhân, tổ chức theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP - Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thậm chí, cần phải xử lý hình sự các cá nhân chịu trách nhiệm chính cho sự cố nghiêm trọng hiện này. Theo Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 237: “Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”.
Fomosa "đầu độc" biển 4 tỉnh miền Trung: Công khai xin lỗi, bồi thường 500 triệu USD
Năm 2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Fomosa) trong quá trình vận hành thử nghiệm đã xả thải ra biển nước thải có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép. Độc tố này đã khiến cá ở 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân và du lịch biển ở khu vực này.
Để tìm nguyên nhân sự cố môi trường khiến cá chết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế.
Lãnh đạo Fomosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam |
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, lãnh đạo Fomosa đã cúi đầu xin lỗi nhân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Cùng với sự công khai xin lỗi này, Fomosa bồi thường 500 triệu USD cho người dân 4 tỉnh thành và đến nay, công tác bồi thường đã cơ bản hoàn tất.
Vedan "bức tử" sông Thị Vải: Bồi thường 219 tỷ đồng, xin lỗi sau 10 năm
Năm 2008, vụ việc Vedan "bức tử" sông Thị Vải gây chấn động dư luận. Sau những khởi kiện và tranh cãi dằng dai, Vedan đã chấp nhận bồi thường 219 tỷ đồng cho người dân 3 tỉnh bị ảnh hưởng. Và đến năm 2011 thì hoàn thành việc bồi thường này.
Lãnh đạo Vedan gửi lời xin lỗi sau 10 năm |
Đến năm 2018, đúng 10 năm sau sự cố, lãnh đạo Vedan cúi đầu xin lỗi, mời phóng viên đi tham quan khu vực xử lý môi trường đã được đầu tư lại và mong rằng sẽ lấy lại được niềm tin của người dân Việt một lần nữa trong lần tái xuất này.