Sau khi bỏ môn thứ tư, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội cần lưu ý gì?

 Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến học sinh nghỉ học kéo dài, Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Đây là quyết định khiến không chỉ học sinh mà nhà trường, phụ huynh đều cảm thấy… nhẹ lòng. Đứng trước kỳ thi tuyển sinh quan trọng với chỉ 62% học sinh được chọn vào trường công lập, học sinh cần lưu ý những gì?
Tuyển sinh lớp 10: Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ 4 Nhiều địa phương xem xét giảm môn thi vào lớp 10 Kỳ thi vào lớp 10, Đà Nẵng dự kiến tổ chức vào ngày 18 - 19/7 Hà Nội chốt mốc thời gian thi vào lớp 10

Đề thi bám sát theo tinh thần giảm tải

UBND TP Hà Nội đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2020 - 2021. Căn cứ kế hoạch này, khi thi vào lớp 10 THPT, các thí sinh chỉ phải thi 3 môn (Toán, Văn và Ngoại ngữ), bỏ môn thi thứ 4 như mọi năm.

Theo kế hoạch trước đây đã được phê duyệt, thí sinh sẽ phải thực hiện thi ở 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Theo các chuyên gia giáo dục, mục đích của môn thi thứ 4 chính là việc tránh tình trạng học lệch, học tủ ở học sinh. Học sinh khối 9 sẽ phải tập trung kiến thức cho các môn có thể được lựa chọn là môn thứ 4.

Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh các cấp phải nghỉ học thời gian kéo dài, học sinh lớp 9 gặp nhiều khó khăn trong việc học và ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, bài thi môn thứ 4 chưa được lựa chọn và công bố nên học sinh và các nhà trường chưa thực sự có kế hoạch ôn tập hợp lý.

Sau khi bỏ môn thứ tư, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội cần lưu ý gì?
Dự kiến lịch thi vào lớp 10 THPT của học sinh Hà Nội

Ngoài ra, việc tổ chức ôn thi thứ 4 sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh và các nhà trường, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND TP tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2020-2021 với 3 bài thi độc lập, gồm môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh và các trường, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các trường ngoài công lập vẫn giữ nguyên như năm trước đó là xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện ở cấp THCS hoặc xét tuyển dựa trên kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đối với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường ngoài công lập.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát chỉ đạo về điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT: “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung “không dạy”, “không làm”, không thực hiện”, “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện”.

Trường Chu Văn An và Sơn Tây được tuyển sinh vào lớp 10 trên toàn thành phố

Với trường hợp tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên, học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc GDTX có độ tuổi theo quy định tại Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo quy định của Bộ GD&ĐT được tham gia tuyển sinh.

Phương thức tuyển sinh được xác định là thi tuyển, trong đó Sở GD&ĐT tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập. Bài thi được tổ chức 3 bài độc lập, gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại Ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Hình thức bài thi, môn Toán và Ngữ văn thì theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi.

Về đề thi, gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biêt, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.

Theo quy định, trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh). Điều kiện để vào lớp 10 chuyên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây: Học sinh hoặc cha (mẹ) học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên; xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên; Học sinh các tỉnh phía bắc từ Thanh Hoá trở ra có kết quả học tập năm học lớp 9 THCS xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên trường THPT Chu Văn An.

Về đăng ký nguyện vọng, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây; Học sinh có thể đăng ký vào các môn chuyên khác nhau của 2 trường với điều kiện buổi thi các môn chuyên đó không trùng nhau; Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng một môn chuyên của 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.

Sau khi bỏ môn thứ tư, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội cần lưu ý gì?
Dự kiến lịch thi của học sinh tham dự thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên

Điều kiện vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Các học sinh đã tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập trên địa bàn TP năm học 2020 - 2021 phải thỏa mãn các điều kiện: Học sinh hoặc cha (mẹ) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đúng độ tuổi, đã tốt nghiệp THCS, có điểm trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hoá học từ 8,0 trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn tiếng Anh từ 8,5 trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Ngữ văn từ 6,5 trở lên. Về nguyện vọng, học sinh có thể đăng ký vào 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.

Nguyện vọng của thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc tại trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nguyện vọng độc lập, không ảnh hưởng đến nguyện vọng đăng ký tuyển sinh vào các trường THPT chuyên và THPT không chuyên.

Theo UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT TP sẽ là là đơn vị hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX về công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021, trong đó có việc tổ chức hướng dẫn Quy chế thi, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

66.492 chỉ tiêu vào trường THPT công lập

Năm học 2020 - 2021, dự kiến toàn TP có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, dự kiến 62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 2,6 số học sinh tuyển vào vào trường THPT công lập tự chủ, 20% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 7,5 % số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) và 7,9% số học sinh tham gia học nghề.

Dự kiến, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và chương trình GDTX năm học 2020-2021 như sau: Tuyển vào trường THPT có 90.730 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh, công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh; tuyển vào trung tâm GDNN-GDTX 8.043 học viên và các cơ sở GDNN 8.473 học sinh.

Dự kiến thời gian tổ chức kỳ thi vào ngày 17/7 và 18/7, công tác tuyển sinh kết thúc vào ngày 15/8. Trong kỳ tuyển sinh năm học 2020-2021, Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến như năm trước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và nhân dân Thủ đô.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động