Sâu keo mùa thu tàn phá lúa và ngô ở huyện Bát Xát, Lào Cai
Dân chật vật đối phó 'thứ giặc' ăn phá ngô non nhanh như chớp Xuất hiện sâu keo mùa thu tàn phá lúa và ngô ở huyện Bát Xát, Lào Cai |
Theo thông tin từ UBND huyện Bát Xát, sâu keo đã xuất hiện và gây hại mạnh trên cây lúa và cây ngô trên địa bàn một số xã vùng cao, mật độ cục bộ rất cao, từ 200-300 con/m2. Theo đó, tại xã Y Tý đã có 20 ha nhiễm sâu, trong đó 11 ha ngô và 9 ha lúa và tại xã Ngải Thầu có 12 ha nhiễm sâu, trong đó 9 ha ngô và 3 ha lúa.
Xuất hiện sâu keo mùa thu tàn phá lúa và ngô ở huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh Trung tâm KN&DVNN Lào Cai. |
Được biết, sâu keo là loại sâu ăn tạp phát sinh và gây hại mạnh từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Với tập tính ăn khỏe và đi theo đàn, chúng thường ăn cụt ngang thân cây đối với cây non và ăn chỉ để chừa lại gân lá đối với cây đã trưởng thành. Trên đường di chuyển, với đàn lớn chúng có thể ăn trụi cả cỏ dại. Với điều kiện khí hậu, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào như hiện nay, dự báo sẽ có một lứa sâu keo nở rộ và gây hại mạnh vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Để chủ động phòng chống sâu keo gây hại cho sản xuất, khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh chủ động thăm đồng để phát hiện sâu hại sớm. (Đặc điểm nhận dạng: Sâu non có hình ống, màu sắc thay đổi tùy từng điều kiện ngoại cảnh (màu nâu vàng, màu xanh đen hoặc đen đậm.... ). Trên lưng và 2 bên có sọc màu nâu vàng, đen hoặc nâu thẫm. Bướm sâu keo có màu nâu đen.
Cánh bướm có màu nâu hay xám với những chấm màu vàng sẫm và một đường viền màu xám ở gần mép cánh. Cánh sau có màu trắng).Khi phát hiện sâu keo xuất hiện trên diện tích đang canh tác cây trồng, bà con nông dân cần báo ngay cho khuyến nông viên cơ sở và chính quyền địa phương. Đồng thời chủ động phun trừ sâu ngay bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: Sherpa 25EC, Dylan 10EC, Clever 300WG, Virtako 400WG...
Trước đó, khoảng tháng 3, sâu keo đã phát tán ra nhiều địa phương thuộc tỉnh Điện Biên, tàn phá hơn 3.300 héc ta ngô, gây thiệt hại không nhỏ cho vụ ngô xuân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Sơn La, khoảng tháng 5 cũng đã bị sâu keo tàn phá làm ảnh hưởng tới 3.113 ha ngô và lan rộng tại 11/12 huyện, thành phố. Mật độ sâu phổ biến từ 1,5 con/m2 - 20 con/m2, thậm chí cao hơn lên đến 40 con/m2. Tại Gia Lai, sâu keo mùa thu cũng phá hoại hơn 5.000 ha ngô ở 11 huyện. Tại các địa phương bị sâu keo xâm hại, tình trạng sâu bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng, lan rộng, khó kiểm soát.