Sau 43 ngày chuẩn bị, chính quyền huyện Gia Lâm mới "mở cửa" tiếp báo chí
Sau nhiều bài viết “xướng tên” huyện Gia Lâm “né tránh” cung cấp thông tin báo chí liên quan đến đơn thư khiếu nại công dân, chiều 30/12/2020, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã "được" làm việc, trao đổi thông tin với đại diện lãnh đạo huyện này.
Cuộc làm việc có đại diện Văn phòng UBND huyện Gia Lâm, Trung tâm phát triển quỹ đất và đặc biệt là ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Tại đây, đại diện huyện này lý giải nguyên do chưa làm việc được với báo chí vì cuối năm nên các lãnh đạo "khá bận".
Sau đó, buổi làm việc xoay quanh vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại của gia đình bà Chu Thị Vinh (SN 1948, trú tại Phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh về những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Gia Lâm.
Ông Nguyễn Đức Hồng cho biết, sự việc liên quan đến gia đình bà Chu Thị Vinh đã diễn ra từ lâu và huyện Gia Lâm cũng đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020.
Theo ông Hồng, sau khi nhận được khiếu nại của công dân, UBND huyện đã giao cho các đơn vị liên quan xác minh, làm việc thận trọng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
“Sau đó, UBND huyện đã có quyết định giải quyết khiếu nại và cũng đã giao các đơn vị liên quan xác định lại chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; lập lại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trình UBND huyện phê duyệt”, ông Hồng cho biết.
Nói thêm, ông Hồng cho biết, đến nay các cơ quan liên quan vẫn đang tiếp tục xử lý đơn thư theo yêu cầu của gia đình bà Vinh dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, đặc biệt là theo chỉ đạo tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020.
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm |
“Hiện nay, UBND Kim Sơn đã triển khai xác định lại chủ sử dụng và diện tích đất của công dân. Xã cũng đã có báo cáo lên huyện và chúng tôi cũng đang tổng hợp các ý kiến liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền giải quyết”, đại diện huyện Gia Lâm cho biết.
Ông Hồng cũng thừa nhận, khi tiến hành đo đạc, Tổ công tác giải phóng mặt bằng có những sai sót "nhỏ" về nghiệp vụ khiến người dân khiếu nại.
“Việc này, chúng tôi cũng đã cho họp kiểm điểm những cá nhân liên quan”, ông Hồng nói.
Cũng tại buổi làm việc, phóng viên đề nghị UBND huyện Gia Lâm cung cấp báo cáo chi tiết về phương án giải quyết liên quan đến diện tích đất của gia đình bà Chu Thị Vinh.
Vị đại diện huyện này đã “hứa” sẽ cung cấp thông tin cụ thể.
Trước đó, tại đơn thư gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Chu Thị Vinh cho biết, gia đình bà có một thửa đất số 29, tờ bản đồ 28 với diện tích là 374m2. Trước năm 1980, người đứng tên đăng ký sử dụng quyền sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Lợi (mẹ đẻ bà Vinh). Năm 1993, bà Lợi đã làm đơn chuyển quyền sử dụng nhà đất ở thửa đất nêu trên gia đình bà Vinh.
Sau đó, ngày 10/1/1997, gia đình bà Vinh đã làm giấy xin trả lại một phần tài sản cho bà Lợi phần đất nêu trên. Cũng trong năm 1997, bà Lợi lập bản di chúc chia thửa đất trên làm 3 phần, trong đó chia cho hai cháu trai (cháu ngoại) là Nguyễn Đức Gia và Nguyễn Đức Đạt (là con trai bà Vinh) mỗi người được sử dụng khoảng 100m2 nằm vị trí đất nằm giáp mặt đường 181, chạy sâu vào khoảng 10m; phần diện tích đất còn lại là 186 m2 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Vinh.
Theo nội dung đơn thư, thực hiện di chúc của bà Nguyễn Thị Lợi, vợ chồng bà Vinh sau đó đã mời UBND xã Kim Sơn đến đo đạc và chia thửa đất này thành 3 phần gồm: Thửa đất 29 (1) mang tên Nguyễn Đức Gia; thửa đất 29 (2) mang tên Nguyễn Đức Đạt và thửa đất 29 (3) mang tên Nguyễn Phẩm Giá (là chồng bà Chu Thị Vinh). Việc chia đất được cán bộ địa chính xã Kim Sơn đo đạc, lập biên bản xác định ranh giới cho các thửa đất và ký xác nhận.
Khu vực đất nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng. |
Sau đó, đến năm 2007, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án “Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 tới Khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1)”. Theo chỉ giới giải phóng mặt bằng của dự án thì gia đình bà Vinh có một phần diện tích đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng phải thu hồi để thực hiện dự án.
Ngày 29/12/2017, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các Quyết định số 18937/QĐ-UBND về việc thu hồi đất thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 tới Khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) và Quyết định số 18987/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình Chu Thị Vinh bị thu hồi đất tại phố Keo, xã Kim Sơn để thực hiện dự án.
Sau khi nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gia đình bà Chu Thị Vinh nhận thấy số liệu về diện tích đất đo đạc không đúng so với diện tích được thừa kế nên đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại nhưng không được chấp thuận. Sau đó, gia đình bà Vinh đã có đơn yêu cầu UBND huyện Gia Lâm cung cấp hồ sơ thửa đất nêu trên.
Đáng nói, sau khi nhận được hồ sơ do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm cung cấp gồm: Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận đăng ký đất đai năm 2017, giấy xác nhận quá trình sử dụng đất và hồ sơ giải phóng mặt bằng, thì gia đình bà Vinh lại khẳng định hồ sơ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu giả mạo và giấy xác nhận đăng ký đất đai năm 2017 cũng không đúng với thực tế, bị sai lệch về diện tích đất.
Sau đó, gia đình bà Vinh tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 27/7/2020, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 5198/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Vinh.
Tại quyết định giải quyết khiếu nại, UBND huyện Gia Lâm kết luận việc gia đình ông Nguyễn Phẩm Giá và bà Chu Thị Vinh không thống nhất với Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) là có cơ sở xem xét, giải quyết.
Cụ thể, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, trong quá trình lập hồ sơ đăng ký đất đai năm 2017 của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 thì việc xác định diện tích, kích thước thửa đất theo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 mà không đo đạc thực tế là không đúng quy định; biên bản xác định ranh giới, mốc giới ngày 18/6/2006 không đảm bảo tính chính xã do thành viên đo đạc công nhận việc đo đạc bằng thước dây, căn cứ số liệu diện trích trên bản đồ.
Bên cạnh đó, việc lập biên bản điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản tài sản gắn liền với đất phục vụ việc giải phóng mặt bằng của Tổ công tác giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội.
Theo kết luận của UBND huyện Gia Lâm, năm 2017, Tổ công tác giải phóng mặt bằng chỉ đo bao toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28, bản đồ đo vẽ xã Kim Sơn năm 1993-1994, nhưng căn cứ vào biên bản xác định ranh giới sử dụng đất của gia đình ông Giá trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 để xác định diện tích sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là chưa đúng quy định.
Trên cơ sở các nội dung đã kết luận, UBND huyện Gia Lâm quyết định hủy bỏ nội dung Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án cho hộ gia đình bà Chu Thị Vinh (ông Nguyễn Đức Giá) bị thu hồi đất tại phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1).
Đồng thời, UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; lập lại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trình UBND huyện phê duyệt.
Mặc dù vậy, gia đình bà Chu Thị Vinh cũng không đồng ý với nội dung Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 của UBND huyện Gia Lâm.
Theo chia sẻ của gia đình bà Vinh và những người có liên quan, trong Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 chỉ nêu nội dung: “Giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại Chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật là chưa đầy đủ.
Bởi, theo đề nghị của gia đình bà Vinh thì UBND huyện Gia Lâm cần giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn “xác định lại chủ sử dụng đất và toàn diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28” mà gia đình được thừa kế theo di nguyện của bà Nguyễn Thị Lợi (do diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 đang có sự sai khác giữa Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm đang lưu trữ và bản đồ, sổ lập kèm theo năm 1993 - 1994).