Chính quyền huyện Gia Lâm có “quên” quy định cung cấp thông tin cho báo chí
Gia Lâm: Gia đình cụ bà "cõng'' đơn đi khiếu nại vì sai lệch hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng |
Vừa qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài viết liên quan đến đơn thư khiếu nại của bà Chu Thị Vinh (SN 1948, trú tại Phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh về những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Gia Lâm.
Tại đơn thư, bà Chu Thị Vinh cho biết, gia đình bà có một thửa đất số 29, tờ bản đồ 28 với diện tích là 374m2. Trước năm 1980, người đứng tên đăng ký sử dụng quyền sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Lợi (mẹ đẻ bà Vinh). Năm 1993, bà Lợi đã làm đơn chuyển quyền sử dụng nhà đất ở thửa đất nêu trên gia đình bà Vinh.
Sau đó, ngày 10/1/1997, gia đình bà Vinh đã làm giấy xin trả lại một phần tài sản cho bà Lợi phần đất nêu trên. Cũng trong năm 1997, bà Lợi lập bản di chúc chia thửa đất trên làm 3 phần, trong đó chia cho hai cháu trai (cháu ngoại) là Nguyễn Đức Gia và Nguyễn Đức Đạt (là con trai bà Vinh) mỗi người được sử dụng khoảng 100m2 nằm vị trí đất nằm giáp mặt đường 181, chạy sâu vào khoảng 10m; phần diện tích đất còn lại là 186 m2 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Vinh.
Bà Chu Thị Vinh vẫn đau đáu về một kết quả giải quyết thấu tình đạt lý |
Theo nội dung đơn thư, thực hiện di chúc của bà Nguyễn Thị Lợi, vợ chồng bà Vinh sau đó đã mời UBND xã Kim Sơn đến đo đạc và chia thửa đất này thành 3 phần gồm: Thửa đất 29 (1) mang tên Nguyễn Đức Gia; thửa đất 29 (2) mang tên Nguyễn Đức Đạt và thửa đất 29 (3) mang tên Nguyễn Phẩm Giá (là chồng bà Chu Thị Vinh). Việc chia đất được cán bộ địa chính xã Kim Sơn đo đạc, lập biên bản xác định ranh giới cho các thửa đất và ký xác nhận.
Sau đó, đến năm 2007, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án “Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 tới Khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1)”. Theo chỉ giới giải phóng mặt bằng của dự án thì gia đình bà Vinh có một phần diện tích đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng phải thu hồi để thực hiện dự án.
Ngày 29/12/2017, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các Quyết định số 18937/QĐ-UBND về việc thu hồi đất thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 tới Khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) và Quyết định số 18987/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình Chu Thị Vinh bị thu hồi đất tại phố Keo, xã Kim Sơn để thực hiện dự án.
Sau khi nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gia đình bà Chu Thị Vinh nhận thấy số liệu về diện tích đất đo đạc không đúng so với diện tích được thừa kế nên đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại nhưng không được chấp thuận. Sau đó, gia đình bà Vinh đã có đơn yêu cầu UBND huyện Gia Lâm cung cấp hồ sơ thửa đất nêu trên.
Khu vực nhà, đất nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng |
Đáng nói, sau khi nhận được hồ sơ do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm cung cấp gồm: Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận đăng ký đất đai năm 2017, giấy xác nhận quá trình sử dụng đất và hồ sơ giải phóng mặt bằng, gia đình bà Vinh lại khẳng định hồ sơ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu giả mạo và giấy xác nhận đăng ký đất đai năm 2017 cũng không đúng với thực tế, bị sai lệch về diện tích đất.
Sau đó, gia đình bà Vinh tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 27/7/2020, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 5198/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Vinh.
Tại quyết định giải quyết khiếu nại, UBND huyện Gia Lâm kết luận việc gia đình ông Nguyễn Phẩm Giá và bà Chu Thị Vinh không thống nhất với Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) là có cơ sở xem xét, giải quyết.
Cụ thể, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, trong quá trình lập hồ sơ đăng ký đất đai năm 2017 của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 thì việc xác định diện tích, kích thước thửa đất theo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 mà không đo đạc thực tế là không đúng quy định; biên bản xác định ranh giới, mốc giới ngày 18/6/2006 không đảm bảo tính chính xã do thành viên đo đạc công nhận việc đo đạc bằng thước dây, căn cứ số liệu diện trích trên bản đồ.
Bên cạnh đó, việc lập biên bản điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản tài sản gắn liền với đất phục vụ việc giải phóng mặt bằng của Tổ công tác giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội.
Theo kết luận của UBND huyện Gia Lâm, năm 2017, Tổ công tác giải phóng mặt bằng chỉ đo bao toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28, bản đồ đo vẽ xã Kim Sơn năm 1993-1994, nhưng căn cứ vào biên bản xác định ranh giới sử dụng đất của gia đình ông Giá trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 để xác định diện tích sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là chưa đúng quy định.
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm |
Trên cơ sở các nội dung đã kết luận, UBND huyện Gia Lâm quyết định hủy bỏ nội dung Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án cho hộ gia đình bà Chu Thị Vinh (ông Nguyễn Đức Giá) bị thu hồi đất tại phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1).
Đồng thời, UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; lập lại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trình UBND huyện phê duyệt.
Mặc dù vậy, gia đình bà Chu Thị Vinh cũng không đồng ý với nội dung Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 của UBND huyện Gia Lâm.
Theo chia sẻ của gia đình bà Vinh và những người có liên quan, trong Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 chỉ nêu nội dung: “Giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại Chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật là chưa đầy đủ.
Bởi, theo đề nghị của gia đình bà Vinh thì UBND huyện Gia Lâm cần giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn “xác định lại chủ sử dụng đất và toàn diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28” mà gia đình được thừa kế theo di nguyện của bà Nguyễn Thị Lợi (do diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 đang có sự sai khác giữa Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm đang lưu trữ và bản đồ, sổ lập kèm theo năm 1993-1994).
Trụ sở UBND xã Kim Sơn |
Bên cạnh đó, bà Vĩnh cũng cho biết, kể từ ngày UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 5198/QĐ-UBND (ngày 27/7/2020), đến nay, gia đình bà cũng chưa thấy các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm nêu tại quyết định trên.
Ngoài ra, gia đình bà Vinh cũng đề nghị UBND huyện Gia Lâm xử lý tập thể, cá nhân có sai sót trong quá trình xác định diện tích sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời xem xét lại năng lực của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ khi làm sai quy trình gây bức xúc cho nhân dân, dẫn đến đơn thư, khiếu nại.
Liên quan đến việc này, để làm rõ thông tin, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Kim Sơn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nhưng phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị trên.
Câu hỏi đặt ra là vì sao UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Kim Sơn đến nay vẫn chưa phản hồi với những vấn đề báo chí muốn làm rõ, phản ánh. Trong khi đó, từ các cấp Trung ương đến TP Hà Nội đã chỉ đạo phải cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí để định hướng, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội nhưng có vẻ như các đơn vị trên lại đang đi ngược định hướng này (?!).
Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Kim Sơn không biết đến quy định cung cấp thông tin, trả lời báo chí theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21/1/2014 của Thành ủy Hà Nội và Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước TP Hà Nội của UBND TP Hà Nội.
Đặc biệt, tại Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội yêu cầu người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn của các cấp Sở, ngành, địa phương có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý cơ quan hành chính Nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu đơn vị, cá nhân liên quan trong cơ quan cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí.
Quyết định cũng nêu, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Trong báo cáo số 478-BC/TU về kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, công tác thông tin và truyền thông phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc phát ngôn và cung cấp thông tin của cơ quan hành chính nhà nước thành phố, kịp thời đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm trong kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị phải coi việc thực hiện cung cấp thông tin, trả lời báo chí gắn với định hướng thông tin và công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đánh giá khả năng tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc dự luận tại địa phương, đơn vị, các cơ quan phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí, nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả hoặc phương hướng xử lý, giải quyết. Cùng với việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, các đơn vị cũng phải kịp thời có văn bản báo cáo lãnh đạo thành phố và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của thành phố để kịp thời định hướng thông tin, hạn chế, khắc phục trình trạng báo chí thông tin một chiều, thiếu chính xác.
Trước sự việc trên, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm và các đơn vị liên quan trả lời báo chí theo quy định và sớm giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại của công dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.