Huyện Gia Lâm “phớt lờ” quy định của Chính phủ, TP Hà Nội
Như đã thông tin, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn thư khiếu nại của bà Chu Thị Vinh (SN 1948, trú tại Phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh về những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Gia Lâm.
Tại đơn thư, vì cho rằng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có sự sai lệch của Hội đồng giải phóng mặt bằng nên gia đình bà Chu Thị Vinh đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Sau nhiều lần có đơn, ngày 27/7/2020, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 5198/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Vinh.
Tại quyết định giải quyết khiếu nại, UBND huyện Gia Lâm kết luận việc gia đình ông Nguyễn Phẩm Giá và bà Chu Thị Vinh không thống nhất với Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1) là có cơ sở xem xét, giải quyết.
Khu vực trong ranh giới giải phóng mặt bằng của gia đình bà Chu Thị Vinh |
Cụ thể, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, trong quá trình lập hồ sơ đăng ký đất đai năm 2017 của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 thì việc xác định diện tích, kích thước thửa đất theo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 mà không đo đạc thực tế là không đúng quy định; biên bản xác định ranh giới, mốc giới ngày 18/6/2006 không đảm bảo tính chính xã do thành viên đo đạc công nhận việc đo đạc bằng thước dây, căn cứ số liệu diện trích trên bản đồ.
Bên cạnh đó, việc lập biên bản điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản tài sản gắn liền với đất phục vụ việc giải phóng mặt bằng của Tổ công tác giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội.
Theo kết luận của UBND huyện Gia Lâm, năm 2017, Tổ công tác giải phóng mặt bằng chỉ đo bao toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28, bản đồ đo vẽ xã Kim Sơn năm 1993-1994, nhưng căn cứ vào biên bản xác định ranh giới sử dụng đất của gia đình ông Giá trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 để xác định diện tích sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là chưa đúng quy định.
Trên cơ sở các nội dung đã kết luận, UBND huyện Gia Lâm quyết định hủy bỏ nội dung Quyết định số 18987/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án cho hộ gia đình bà Chu Thị Vinh (ông Nguyễn Đức Giá) bị thu hồi đất tại phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (giai đoạn 1).
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm |
Đồng thời, UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; lập lại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trình UBND huyện phê duyệt.
Mặc dù vậy, gia đình bà Chu Thị Vinh cũng không đồng ý với nội dung Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 của UBND huyện Gia Lâm.
Theo chia sẻ của gia đình bà Vinh và những người có liên quan, trong Quyết định số 5198/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 chỉ nêu nội dung: “Giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn xác định lại Chủ sử dụng đất và diện tích hiện trạng nằm trong chỉ giới nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thuộc quyền sử dụng theo quy định của pháp luật là chưa đầy đủ.
Bởi, theo đề nghị của gia đình bà Vinh thì UBND huyện Gia Lâm cần giao phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố hướng dẫn UBND xã Kim Sơn “xác định lại chủ sử dụng đất và toàn diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28” mà gia đình được thừa kế theo di nguyện của bà Nguyễn Thị Lợi (do diện tích của thửa đất số 29, tờ bản đồ số 28 đang có sự sai khác giữa Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm đang lưu trữ và bản đồ, sổ lập kèm theo năm 1993-1994).
Trụ sở UBND xã Kim Sơn |
Bên cạnh đó, bà Vĩnh cũng cho biết, kể từ ngày UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 5198/QĐ-UBND (ngày 27/7/2020), đến nay, gia đình bà cũng chưa thấy các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm nêu tại quyết định trên.
Ngoài ra, gia đình bà Vinh cũng đề nghị UBND huyện Gia Lâm xử lý tập thể, cá nhân có sai sót trong quá trình xác định diện tích sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời xem xét lại năng lực của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ khi làm sai quy trình gây bức xúc cho nhân dân, dẫn đến đơn thư, khiếu nại.
Liên quan đến việc này, để xác minh đơn thư của công dân, ngày 17/11, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Kim Sơn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính quyền huyện Gia Lâm không có bất cứ phản hồi nào, trong khi chính quyền xã Kim Sơn cũng chưa sắp xếp được lịch làm việc.
Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi là vì sao UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Kim Sơn đến nay vẫn chưa phản hồi với những vấn đề báo chí muốn làm rõ, phản ánh. Trong khi đó, từ các cấp Trung ương đến TP Hà Nội đã chỉ đạo phải cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí để định hướng, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội nhưng có vẻ như các đơn vị trên lại đang đi ngược định hướng này (?!).
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đã nghiêm túc chấp hành quy định cung cấp thông tin, trả lời báo chí theo Luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21/1/2014 của Thành ủy Hà Nội và Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước TP Hà Nội của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, việc UBND huyện Gia Lâm chọn cách ''im lặng'' với báo chí khiến dư luận đặt ra vấn đề phải chăng đơn vị này muốn ''phớt lờ'' những chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt là TP Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội yêu cầu người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn của các cấp Sở, ngành, địa phương có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý cơ quan hành chính Nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu đơn vị, cá nhân liên quan trong cơ quan cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí.
"Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật'', quyết định của UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Có thể thấy, quy định là như vậy nhưng đến bao giờ thì báo mới nhận được phản hồi của UBND huyện Gia Lâm và có phải đơn vị này ''phớt lờ'' chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội hay không?
Câu hỏi này xin gửi tới người đứng đầu huyện Gia Lâm là ông Lê Anh Quân - Bí thư, Chủ tịch huyện.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.