Sáp nhập không phải để xóa tỉnh nào, không để ai mất quê hương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành Chính phủ thống nhất sau sáp nhập sẽ giảm 50% số tỉnh, thành |
Sáp nhập không phải để xóa sổ địa phương nào
Câu chuyện sáp nhập tỉnh, mô hình chính quyền 2 cấp theo Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang thu hút dư luận trong thời gian qua, đặc biệt là câu chuyện đặt tên mới cho địa phương sau sáp nhập, hay việc đặt trung tâm hành chính.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương cho rằng, khi sáp nhập, địa phương nào cũng muốn giữ lại tên gọi của mình, bởi tên gọi đó gắn liền với truyền thống, lịch sử, văn hóa, gắn bó chặt chẽ với địa phương từ xa xưa.
Người Việt Nam mình lại vốn rất yêu quê hương đất nước và tình yêu đó được thể hiện ở việc mong muốn giữ lại tên gọi lâu nay.
Theo bà Nga, chúng ta cần suy nghĩ theo chiều hướng mới và sâu xa hơn, vì sáp nhập không phải để xóa sổ địa phương nào, cũng không phải để ai mất quê hương, mà mục tiêu hướng đến là để cho quê hương mình, đất nước mình phát triển hơn.
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng, khi đặt tên cho một tỉnh mới sau sáp nhập cũng phải căn cứ trên rất nhiều yếu tố. Tên gọi mới sau sáp nhập có thể giữ lại tên một tỉnh hiện tại, cũng có thể lấy lại tên gọi cũ trước đây, cũng có thể là một tên gọi mới dựa trên cơ sở tên gọi từ các tỉnh...
"Đây là vấn đề khoa học cần phải nghiên cứu kỹ và cũng không có công thức chung cho việc này. Vì thế, phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể", bà Nga nói.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. |
Về việc lựa chọn trung tâm hành chính mới sau sáp nhập, bà Nga cho rằng cũng cần được nghiên cứu rất kỹ, có luận cứ khoa học liên quan đến vấn đề hạ tầng, quy hoạch chung của tỉnh đó, vùng đó và sự phát triển chung.
Đặc biệt, điều quan trọng phải tính toán đến yếu tố tầm nhìn, đầu tư thế nào, đặt trung tâm ở đâu để có sự phát triển tốt nhất cho tỉnh đó, vùng đó. Đồng thời, cần tận dụng được tối đa cơ sở vật chất đã có để tránh lãng phí.
Bà Nga cho biết, thực tế có băn khoăn, khi sáp nhập rồi, liệu tỉnh nhỏ với tỉnh lớn hơn, tỉnh phát triển với tỉnh kém phát triển hơn, thì vấn đề đầu tư, bố trí cán bộ thế nào, rồi nhiều yếu tố khác sẽ ra sao?
Tuy nhiên, mục tiêu sau khi sáp nhập là để tạo ra không gian phát triển lớn hơn, tạo cơ hội lớn hơn cho sự phát triển chung. Do đó, suy nghĩ của mỗi cán bộ, đảng viên hay người dân cũng phải rộng hơn, không nên suy nghĩ một cách cá nhân, mà phải hướng đến mục tiêu phát triển chung.
"Chủ trương sáp nhập là để cùng phát triển, phát huy được tối đa năng lực của từng vùng. Do đó, khi sáp nhập sẽ không có chuyện tỉnh này phát triển hơn, tỉnh kia thì kém đi", bà Nga chia sẻ.
Sáp nhập tỉnh căn cứ vào nhiều yếu tố
Chia sẻ quan điểm của mình về Kết luận 127-KL/TW, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, kết luận đã đánh trúng vào điểm nghẽn trong mô hình tổ chức khi yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp, loại bỏ những yếu tố đang có biểu hiện cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng tận dụng và phát huy điểm mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến. |
Theo ông Tiến, những tỉnh quá nhỏ về diện tích, ít về dân số… hết dư địa phát triển cần hợp nhất để có động lực mới. Việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh có thể tạo ra các đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, giúp nâng cao hiệu quả quản lý hơn, đồng thời tăng tính đồng bộ và hiệu quả trong điều hành.
Đặc biệt, việc không tổ chức cấp huyện, một cấp trung gian không còn phù hợp với trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, quản lý là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, giúp bộ máy bớt cồng kềnh, hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, việc sắp xếp lại một số đơn vị cấp tỉnh, sắp xếp lại mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới là bước đi tất yếu nhằm bảo đảm việc đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới.
Do vậy, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã là rất kịp thời trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là quan điểm chỉ đạo mang tính khoa học, có tính logic cao khi ta chuyển phương thức quản lý sang giai đoạn mới, nhu cầu cấp bách là cần có cách thức tổ chức mới để thực hiện những nhiệm vụ mới.
"Xuất phát từ thực tế đó, việc nghiên cứu định hướng sắp xếp lại mô hình tổ chức bộ máy ở địa phương sẽ bảo đảm tính khoa học của quá trình chuyển đổi, phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay", ông Nguyễn Mạnh Tiến nhận định.
Trước đó, chiều 11/3, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại đa số các ý kiến, dư luận nhân dân đồng tình cao với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, để phù hợp tình hình mới, khả năng quản lý hiện nay khi điều kiện hạ tầng giao thông, hạ tầng số được cải thiện mạnh mẽ, đồng thời tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở, phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng...
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương; chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc cho dân thuận lợi hơn; mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn, Nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no; tạo sự đồng thuận của người dân.