Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu tiêu chí sáp nhập tỉnh, thành
Chính phủ thống nhất sau sáp nhập sẽ giảm 50% số tỉnh, thành |
Đây là vấn đề được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu ra tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2025 của Bộ Nội vụ, ngày 11/3.
Khi sắp xếp cần phù hợp với lịch sử, văn hóa
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận tinh thần, trách nhiệm cao của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của tháng 2/2025 một cách toàn diện.
Nhìn chung đã tham mưu tốt cho các cấp có thẩm quyền trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cũng như cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện từ ngày 1/3/2025.
Bộ trưởng đánh giá quá trình hợp nhất giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ diễn ra hanh thông, thuận lợi, vui vẻ, đoàn kết, thân thiện, tạo dấu ấn mẫu mực trong số các bộ, cơ quan bộ thực hiện sắp xếp vừa qua; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã hòa nhập mà không có khoảng cách, gần gũi, chia sẻ, bắt tay ngay vào công việc, không để khoảng trống về mặt pháp lý, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Các lĩnh vực quản lý Nhà nước mới tiếp nhận như lao động, việc làm, người có công, bảo hiểm xã hội được chuyển tiếp một cách nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất.
Về trọng tâm nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tập trung cao độ, cùng thống nhất về nhận thức, thống nhất về hiểu biết để tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Đảng ủy Chính phủ triển khai nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng, trong đó tập trung tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 7/3/2025 hoàn thiện tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn khi thực hiện sắp xếp.
Bộ trưởng đề nghị người đứng đầu các đơn vị chủ động quán triệt về tư tưởng cho công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Nội vụ có nhận thức đúng về quan điểm, nguyên tắc sắp xếp các đơn vị hành chính sắp tới nhằm mục đích mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Khi sắp xếp cần phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, dân tộc, quốc phòng, an ninh, song cũng cần gắn với điều kiện địa lý tự nhiên, địa kinh tế, địa văn hóa, địa dân cư; tạo điều kiện mới để các địa phương tương hỗ, tương tác, cùng nhau phát triển, vì lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 3/2025 của Bộ Nội vụ. |
Đồng thời tập trung triển khai rà soát hệ thống thể chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, nhất quán. Trong đó cần tập trung hoàn thiện hồ sơ đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Việc làm; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền các nghị định, thông tư theo kế hoạch trong tháng 3/2025.
Cùng đó, cần tiến hành tổng rà soát, đánh giá bước đầu về việc sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đến thời điểm 15/3/2025, nhằm kịp thời nhận diện những vấn đề khó khăn, vướng mắc để cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ, điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá khái quát thực trạng để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đối với các lĩnh vực quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, người có công, tiền lương; thực trạng các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi tổ chức, sắp xếp.
Ngoài ra, cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI; thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, nhất là các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động; khen thưởng đối với thành tích cống hiến; khen thưởng đối với bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập.
Chính phủ thống nhất sau sáp nhập sẽ giảm 50% số tỉnh
Hôm qua, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại các Kết luận 126-KL/TW và Kết luận số 127 KL/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng và trình xin ý kiến Bộ Chính trị Đề án sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ họp để hoàn thiện thêm một bước Đề án sắp xếp tổ chức lại hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để báo cáo Bộ Chính trị.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; dự kiến tên gọi, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế chính quyền cấp tỉnh, cấp xã...
Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại đa số các ý kiến, dư luận nhân dân đồng tình cao với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, để phù hợp tình hình mới, khả năng quản lý hiện nay khi điều kiện hạ tầng giao thông, hạ tầng số được cải thiện mạnh mẽ, đồng thời tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở, phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60-70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng...
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp là tăng cường thẩm quyền, nêu cao hơn nữa tính tự lực, tự chủ, tự cường của cấp địa phương; chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc cho dân thuận lợi hơn; mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn, Nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no; tạo sự đồng thuận của người dân.