Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần

"Ngày tôi nhận được giấy lên đường đi Thanh niên xung phong cũng là lúc nhận được giấy báo đi học đại học ở nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng đắn đo, trăn trở nhưng nghĩ mình còn trẻ còn nhiều cơ hội phấn đấu, bây giờ Tổ quốc đang cần phải làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước".
“Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” để phụng sự Tổ quốc, dân tộc Người nước ngoài treo cờ đỏ sao vàng mừng Quốc khánh Việt Nam Giới trẻ Việt Nam bày tỏ tình yêu Tổ quốc

Đó là chia sẻ của bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hà Nội tại tọa đàm trực tuyến gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức.

60 năm đã trôi qua nhưng trong kí ức của bà Vịn không khí sục sôi của thanh niên Hà Nội hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” chưa bao giờ phai mờ. Bà Vịn kể, khi đó, cả nước có chiến tranh, chống Mỹ cứu nước trở thành khát vọng của mỗi đoàn viên, thanh niên lúc bấy giờ. Nhiều lá đơn được gửi đến các cấp bộ Đoàn xin lên đường chiến đấu, trong đó nhiều lá đơn được viết bằng bằng máu.

Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội mang đến không khí sôi nổi của phong trào Ba sẵn sàng tại Thủ đô
Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội mang đến không khí sôi nổi của phong trào Ba sẵn sàng tại Thủ đô

Thấu hiểu tâm tư của thanh niên, ngày 9/8/1964 Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Tại quảng trường Cách mạng tháng Tám, lời kêu gọi được Thành đoàn Hà Nội phát đi và được thanh niên đáp lại "sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng" vang động cả góc trời. Nhiều đêm, thanh niên Hà Nội tập trung trước cửa nhà Hát lớn rồi tuần hành qua các con đường của Hồ Gươm với khí thế hừng hực.

“Khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" năm 1964, tôi mới 21 tuổi. Khi đó, tôi là Bí thư chi đoàn khối 49 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng là một đảng viên trẻ. Chi đoàn của tôi cùng các chi đoàn khác nhiều đêm tham gia tập hành quân. Nhiều bạn gói trong ba lô vài viên gạch để rèn luyện, với quyết tâm vì miền Nam ruột thịt”, bà Vịn nhớ lại.

Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần

Bà Vịn cho biết thêm, ngày đó “Ba sẵn sàng” là lý tưởng, khát vọng của thanh niên Thủ đô. Ai cũng mong mỏi được lên đường chiến đấu, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung để phục vụ công tác đảm bảo giao thông vận tải. Đi thanh niên xung phong là cơ hội cống hiến cho Tổ quốc, nhất là chị em phụ nữ khi đó.

21 tuổi, cô gái Dương Thị Vịn căng tràn sức sống, nhiều đam mê và hoài bão. Bà vượt mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ được đi học đại nhưng khi phong trào Ba sẵn sàng được phát động, bà cùng nhiều anh em trong chi đoàn tạm gác lại ước mơ viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ đất nước.

"Ngày tôi nhận được giấy lên đường đi Thanh niên xung phong cũng là lúc nhận được giấy báo đi học đại học ở nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng đắn đo, trăn trở nhưng nghĩ mình còn trẻ còn nhiều cơ hội phấn đấu, bây giờ Tổ quốc đang cần phải làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước", bà Vịn chia sẻ.

Đoàn viên, thanh niên tham gia tọa đàm
Đoàn viên, thanh niên tham gia tọa đàm

Gia đình bà Vịn có 4 anh chị em. Anh trai duy nhất trong nhà đi bộ đội và hi sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1948. Khi đó, vợ anh mới mang bầu được 2 tháng. Mấy tháng sau chị sinh một bé trai kháu khỉnh, đó cũng là cháu trai duy nhất trong nhà. Năm 1965, bà Vịn lên đường đi Thanh niên xung phong, năm 1967 cháu bà cũng lên đường vào Nam chiến đấu.

"Cháu là con liệt sĩ được miễn không phải đi bộ đội nhưng tiếng gọi của "Ba sẵn sàng" thúc giục đã quyết tâm lên đường. Một năm sau cháu hi sinh trong chiến dịch Mậu thân nhưng đến năm 1974 gia đình mới biết tin”, bà Vịn cho biết.

Khi gia nhập Thanh niên xung phong, bà Vịn được biên chế về Đại đội 816. Toàn đại đội đều là con em Hà Nội theo tiếng gọi “Ba sẵn sàng” lên đường chiến đấu, người lớn nhất mới 22 tuổi, người nhỏ nhất mới 16 tuổi. Ở nhà, không ít người là "cậu ấm cô chiêu" nhưng vào chiến trường phải đối mặt với gian khổ, hi sinh.

Bà Vịn nhớ lại, ngày đó, thiếu thốn lắm. Thiếu gạo, thiếu rau, thiếu quần áo mặc, thân thể thì ốm đau, ghẻ lở nhưng ai đi viện về có thuốc là sẵn sàng nhường lại cho đồng đội, nhường cả miếng ăn, áo mặc...

Đại đội làm tốt việc tuyên truyền, đặc biệt niềm tin vào ngày toàn thắng, trách nhiệm với quê hương đã trở thành động lực cho mỗi người hoàn thành tốt công việc. Có những tuyến đường, cây cầu phải làm trong thời gian rất ngắn. Bình thường họ chỉ lao đông với năng suất 100% nhưng khi được yêu cầu anh em trong đội làm đến 300%. Công việc dò phá bom mìn lúc đầu chỉ nam giới làm nhưng về sau cả chị em phụ nữ tham gia, thậm chí còn làm rất giỏi.

Bà Vịn tin tưởng, dù ở thời kỳ nào, thanh niên Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung sẽ luôn phát huy tinh thần tình nguyện cống hiến, xây dựng Thủ đô và đất nước.

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động