Sẵn sàng cho Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025
Rà soát công tác tổ chức, đảm bảo đáp ứng nhu cầu du Xuân, trẩy hội của người dân Đặc sắc “Lễ cầu bông” làng rau Trà Quế ở Hội An Hùng tráng khai hội Gò Đống Đa 2020 |
Công tác chuẩn bị tích cực
Chiều 21/1, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa.
Trưởng phòng Văn hoá & Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai cho biết, quận đã có chủ trương tổ chức lễ hội gò Đống Đa và lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa từ tháng 6/2024 và công tác chuẩn bị cũng như mọi kế hoạch đã được ban hành từ sớm, với chủ trương tổ chức lễ hội năm nay có sự đột phá khác với năm trước là thực hiện vào buổi tối và sử dụng công nghệ số hóa kết hợp 3D mapping nhằm tái hiện cuộc đời, thân thế, sự nghiệp người anh hùng áo vải Quang Trung.
Tính đến 20/1/2025, quận đã triển khai được khoảng 80% các khâu trong công tác tổ chức. Quy mô của buổi lễ kỷ niệm dự kiến khoảng 2.500 người tham dự. Toàn bộ khuôn viên bên trong và bên ngoài của di tích gò Đống Đa đã được quận cho chỉnh trang. Các chủ trương, phần trang trí khánh tiết…, quận đã có văn bản từ sớm để gửi xin ý kiến Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa và Thể thao. Việc phân công trong công tác tổ chức lễ hội được quận triển khai cụ thể đến từng phòng, ban liên quan…
Các nội dung về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, điện lực, an ninh, giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy, công tác tiếp đón… đều đã có sự phân công rõ ràng. Quận đã thống nhất được phương án tổ chức giao thông, chia các khung giờ không lưu thông trên phố Đặng Tiến Đông, đồng thời tổ chức thông tin trên truyền thông đại chúng để phân luồng giao thông. Trên giấy mời đã có định vị điểm đỗ xe ô tô cho từng khách mời tại 3 điểm chính và 1 điểm dự phòng; xe máy có 2 điểm tại trường Tiểu học và THCS Quang Trung.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội |
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội của quận. Đoàn cũng lưu ý quận cần chú ý đến nội dung kịch bản, nghi lễ của phần lễ dâng hương cần đúng nghi thức truyền thống; có phương án về PCCC, cứu hộ cứu nạn, phương án đón khách, phân luồng cần chú ý; phương án cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh số cửa hàng; có trạm cấp cứu lưu động dễ nhận diện; dẫn hướng chỉ đường cho khu vực nhà vệ sinh, đặc biệt là vào ban đêm; kiểm soát giá vé trông xe; phân luồng giao thông từ sớm, từ xa đảm bảo không bị xung đột, ùn tắc. Niêm yết các quy tắc ứng xử, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội…
Chương trình nghệ thuật dùng công nghệ 3D mapping đặc sắc
Khác với mọi năm Lễ hội được tổ chức trong 1 ngày, năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 – 4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5 – 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025). Điểm đặc biệt là năm nay Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa sẽ được tổ chức vào tối ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng âm lịch) tại Công viên văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm.
Đây là lần đầu tiên Lễ hội được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các nền tảng số vào lúc 20h10 tới đông đảo người dân, du khách với điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.
Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… Ngoài các nghệ sĩ chuyên nghiệp, chương trình còn huy động sự tham gia của hơn 400 diễn viên quần chúng gồm thầy cô, các em học sinh và nhân dân trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra Lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống…
Lễ hội Gò Đống Đa |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị Ban tổ chức bám sát kịch bản chi tiết đã được phê duyệt; thực hiện đúng các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; có lực lượng kiểm soát thực hiện các nghi lễ để bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng; lưu ý công tác trang trí lễ hội đúng quy định; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; kiểm soát nội dung các trò chơi trong lễ hội, ngăn chặn các tệ nạn, cờ bạc trá hình; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vấn đề về niêm yết giá, hàng giả hàng nhái…