Sàn bất động sản phải báo cáo giao dịch tiền mặt trên 300 triệu đồng

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) với cơ quan quản lý.
Sacombank thu hàng chục nghìn tỷ nợ xấu nhờ thanh lý bất động sản Bộ Công an điều tra 29 dự án bất động sản của Alibaba tại Đồng Nai Sơ tuyển nhà thầu dự án hơn 240 tỷ đồng tại Bắc Ninh

Bộ Xây dựng vừa có công văn 1590/BXD-QLN gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Sở Xây dựng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản (gọi chung là các đơn vị báo cáo) đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014.

san bat dong san phai bao cao giao dich tien mat tren 300 trieu dong
Ảnh minh họa.

Cụ thể, ban hành và thực hiện Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố (tham khảo đề cương tại phụ lục 01 đính kèm); Rà soát cập nhật Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (nếu đã ban hành); Gửi Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (ban hành mới hoặc bản cập nhật) của Quý Đơn vị về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 1/8/2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền…

Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

Thực hiện đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản. Kết quả đánh giá rủi ro của Quý Đơn vị gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chông rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 01/9/2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thông tin và hướng dẫn về các Danh sách đen, Danh sách cảnh báo, Danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) theo quy định của pháp luật.

Truy cập cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tải xuống các báo cáo để có thông tin kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố nói chung và kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực bất động sản nói riêng theo đường dẫn https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/pcrt hoặc liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có các văn bản, thông tin hướng dẫn việc tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các Sở Xây dựng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương và có báo cáo tổng hợp gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng trước ngày 1/8/2019.

Hậu Lộc
Phiên bản di động