SABECO đồng hành cùng tuổi trẻ Đà Nẵng thắp sáng đường quê
SABECO chính thức bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới Bảo vệ thương hiệu để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh Có một bia Sài Gòn trong mắt du khách Văn hóa uống có trách nhiệm của người Việt |
Thành đoàn Đà Nẵng bàn giao công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” gồm 35 trụ đèn năng lượng mặt trời tại thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) |
Gần một năm từ khi công trình “Thắp sáng đường quê” đến với thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), từ trẻ em đến người già trong thôn ai nấy đều phấn khởi. Mỗi tối, khi các tuyến đường bê tông nơi vùng quê bừng sáng lại nghe tiếng nô đùa của đám trẻ, tiếng cười vui vẻ của những người già trong thôn, cho thấy công trình đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống của người dân địa phương.
Trưởng thôn Cồn Mong Nguyễn Thanh Hà cho hay: “Trước đây tối đi đâu cũng phải có đèn pin, trẻ em trong xóm cũng không dám đi ra ngoài chơi, an ninh trật tự không đảm bảo, thường xảy ra trộm cắp… Tuy nhiên, nhờ mô hình “Thắp sáng đường quê”, người dân trong xóm đã được hưởng lợi trực tiếp. Trên đường đã có đèn cao áp, buổi tối người dân đi lại rất thuận tiện, trong xóm ai cùng vui bởi từ nay đã thoát cảnh “lò dò trong đêm tối để mò đường đi”.
“Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng được đẩy mạnh, trẻ em vui chơi dưới ánh điện, các hoạt động của xóm trở nên sôi nổi, Nhân dân đoàn kết, gắn bó. Cùng với đó, hiệu quả tuyên truyền về pháp luật của Công an tại địa bàn cũng được nâng lên, tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông giảm hẳn”, trưởng thôn Cồn Mong phấn khởi nói.
Công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” do SABECO tài trợ trị giá 125 triệu đồng |
Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, đường bê-tông gần 1km nối thôn Cồn Mong và thôn Miếu Bông trước đây chưa có đèn điện chiếu sáng, người dân gặp khó khăn lúc di chuyển vào ban đêm, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông.
Nguyên nhân chủ yếu do đường tối, nhiều ổ gà và rất trơn trượt vào mùa mưa. Mỗi khi làng có đám đình hay lễ hội thì nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông lại tăng cao. Trước đây, đã có nhiều cuộc họp để quyên góp tiền lắp đèn chiếu sáng, nhưng cũng vì khó khăn, chưa huy động đủ nguồn kinh phí, nên mong ước về cái điện của bà con nơi đây vẫn chỉ là ước mơ.
Công trình đèn điện mặt trời gồm 35 trụ được lắp đặt trên tuyến đường có chiều dài 1km tại thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, do Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tài trợ với kinh phí 125 triệu đồng. Sau khi bàn giao vào ngày 24/11/2022, Đoàn Thanh niên xã Hòa Phước đã vận động đoàn viên, thanh niên trồng cây, hoa tạo cảnh quan, đồng thời xây dựng mô hình tự quản vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại khu dân cư. |
Cũng theo ông Dương, hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời hiện nay do SABECO tài trợ có nhiều lợi thế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông thôn miền núi, đặc biệt về mặt chi phí. Nếu như việc sử dụng đèn điện lưới buộc các hộ dân phải trả tiền điện mỗi tháng, thì vận hành đèn năng lượng mặt trời lắp một lần lại có thể dùng được nhiều năm, không quá tốn kém lại mang lại lợi ích lâu dài.
Hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời do SABECO tài trợ có nhiều lợi thế phù hợp với điều kiện thực tiễn của vùng nông thôn của huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (ảnh T.H) |
Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng ở nông thôn thể hiện sự chung tay, quyết tâm của tuổi trẻ thành phố và doanh nghiệp trong thực hiện nhiều phần việc có ích vì cộng đồng nhằm chung sức xây dựng Nông thôn mới, làm thay đổi cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đây cũng là một mô hình điển hình thiết thực nhất để tuyên truyền đến nhân dân, về tính hiệu quả của việc xây dựng hệ thống pin mặt trời kết hợp nối lưới điện để tiết kiệm năng lượng điện sử dụng trong hộ gia đình, góp phần tiết kiệm điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng.
Các nỗ lực phát triển bền vững được SABECO thực hiện, trong đó ứng dụng năng lượng tái tạo đã nâng cao ý thức về lối sống xanh của người dân trong việc thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ chiếu sáng công cộng tại các vùng nông thôn miền núi là cần thiết và phù hợp với chủ trương tiết kiệm điện năng, kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả của thành phố, góp phần định hướng trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sinh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện quốc gia.