Bảo vệ thương hiệu để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh

Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu đang diễn ra phổ biến khiến cho nhiều doanh nghiệp phải đau đầu, thậm chí là thiệt hại nặng nề về tài sản và thương hiệu. Chính vì thế, để xử lý dứt điểm tình trạng này cần phải có chế tài đủ mạnh.
Bảo vệ thương hiệu để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh
Sản phẩm chính hiệu BIA SAIGON của SABECO được bày bán “bắt mắt” tại các siêu thị

Hành vi xâm phạm nhãn hiệu BIA SAIGON lại tái diễn

Đại diện Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, thời gian gần đây, những sản phẩm giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON đã xuất hiện trở lại tại tỉnh Bình Dương và Bình Định.

"Việc giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON có thể khiến khách hàng nhầm lẫn hoặc không thể phân biệt được đâu là sản phẩm chính hãng, dẫn đến việc khách hàng mất lòng tin khi sử dụng sản phẩm", đại diện SABECO chia sẻ.

Do đó, để tạo ra môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu thương hiệu, đại diện SABECO kiến nghị các cơ quan chức năng cần có các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp, nhất là những trường hợp cố tình giả mạo.

Bảo vệ thương hiệu để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh
Tràn lan sản phẩm giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON xuất hiện ở Bình Dương (Ảnh chụp ngày 28/9/2023)

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hàng giả, hàng nhái không còn xa lạ, luôn gây nhức nhối trong cộng đồng người tiêu dùng. Đáng nói, ở góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Theo một số chuyên gia, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của các cam kết. Chính vì vậy, cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, các chế tài và những công cụ chính sách mạnh mẽ hơn để chấm dứt triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Trong đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các đối tượng sản xuất, phân phối nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về kiểu dáng, nhãn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người dân.

Mặt khác, có nhiều nguyên nhân để hàng nhái, hàng giả tràn lan, trong đó đặc biệt là mức xử phạt hành chính quá nhẹ, không thấm vào đâu so với mức lợi nhuận mang lại. Do vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, siết chặt cơ sở pháp lý để đưa các vụ liên quan hàng giả, hàng nhái ra xử lý hình sự nhằm răn đe.

Bảo vệ thương hiệu để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh
Lon bia giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON LAGER mẫu bao bì cũ của SABECO

Về phía công tác bảo vệ người tiêu dùng, hiện đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật dân sự cũng cho phép các chủ thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải chứng minh được thiệt hại và để làm được điều này, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ hơn về quyền của mình, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi mua, yêu cầu xuất hóa đơn, chứng từ khi mua hàng và lưu giữ để có chứng cứ bảo vệ quyền lợi bản thân khi sản phẩm có vấn đề…

Bài học hầu tòa vì giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON

Hồi giữa tháng 3/2023 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xét xử vụ án "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Trong đó, bên bị xâm phạm là SABECO, nhãn hiệu bị xâm phạm là “BIA SAIGON”.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trung (SN 1967, trụ tại TP HCM), Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) số tiền 700 triệu đồng và pháp nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam số tiền 3 tỷ đồng về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".

Theo bút lục vụ án, ông Lê Đình Trung và hai cổ đông khác, đã thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và đặt gia công sản xuất tại Cơ sở Bia BiVa sản phẩm bia mang các dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM”, “BIA SAIGON VIETNAM và Hình rồng” để đưa ra thị trường.

Ngày 23/6/2020, cơ quan Quản lý thị trường phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" tại Cơ sở sản xuất bia BiVa nên tạm giữ số tang vật và chuyển cơ quan công an thụ lý vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO.

Theo kết luận định giá tài sản số 68/KL-HĐ ĐGTS, ngày 14/9/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các hóa đơn xuất bán hàng hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam thì tổng trị giá số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu do cơ sở sản xuất bia BiVa sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam là 1.472.250.000 đồng.

Bị can Lê Đình Trung và pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ Luật hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu “BIA SAIGON”
Bị can Lê Đình Trung và pháp nhân là Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ Luật hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu BIA SAIGON

Còn theo kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các dấu hiệu nêu trên là các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “BIA SAIGON” đang được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221596 và “BIA SAIGON và Hình rồng” đang được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 225588 và được coi là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO.

Kết luận nêu, sản phẩm bia lon, lon đựng bia và thùng carton đựng bia mang dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” và “BIA SAIGON VIETNAM và Hình rồng” của Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với nhãn hiệu “BIA SAIGON” và “BIA SAIGON và Hình rồng” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221596 và 225588 và được coi là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221596 và 225588 của SABECO và đủ điều kiện là nhãn hiệu nổi tiếng, theo quy định tại khoản 1, Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời các sản phẩm bia lon, lon đựng bia, thùng carton đựng bia của Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều khoản 2, Điều 213, của Luật Sở hữu trí tuệ.

Hội đồng xét xử khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của SABECO nói riêng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và thượng tôn pháp luật mà các cấp chính quyền đang xây dựng trong môi trường cạnh tranh về thu hút đầu tư, cạnh tranh toàn cầu nói chung. Các bị cáo cần phải bị xử lý nghiêm để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Như vậy, bản án dành cho bị cáo Lê Đình Trung và Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là lời cảnh tỉnh cho những ai cố tình lợi dụng uy tín, danh tiếng của người khác đã tạo dựng để trục lợi cho mình và cũng là bản án đầu tiên kết tội bị cáo là pháp nhân phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ và đủ điều kiện là nhãn hiệu nổi tiếng.

Khánh My
Phiên bản di động