Rác cũng cần gắn nhãn ghi tên

Tại Nhật Bản, túi rác trước khi được để ra nơi chuyên dụng sẽ phải gắn biển tên và số nhà của người đổ. Nếu ai đó nhầm lẫn hay cố tình không phân loại rác, túi rác sẽ không được thu gom và mọi người đều biết ai là người có trách nhiệm với nó. 
rac cung can gan nhan ghi ten Hà Nội rà soát lại khối lượng các gói thầu vệ sinh môi trường
rac cung can gan nhan ghi ten Điện Biên: Độc đáo mô hình “ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa
rac cung can gan nhan ghi ten Mô hình hay góp phần bảo vệ môi trường
rac cung can gan nhan ghi ten Không ai dạy chúng ta về rác và sự ngây thơ "có lỗi"

Bài học đầu tiên khi sang Nhật là phân loại rác

Anh Vũ Mạnh Tuấn, kỹ sư một công ty ô tô liên doanh Nhật Bản cho biết, công ty luôn có buổi tập huấn riêng về phân loại rác cho những nhân viên được cử sang Nhật Bản công tác.

Từ buổi tập huấn của công ty và hơn 3 năm sống tại Nhật Bản, anh Tuấn cho biết, về cơ bản người Nhật sẽ chia rác làm 5 loại chính: rác kích thước lớn, rác nhựa, rác tái chế, rác đốt được và rác không đốt được nhưng việc phân loại rác ở Nhật Bản vô cùng tỉ mỉ và đòi hỏi nhiều công sức.

rac cung can gan nhan ghi ten
Hướng dẫn phân loại, thu gom rác ở Nhật Bản của công ty anh Tuấn

Chẳng hạn như ở khu vực bán nước tự động, muốn vứt một cái chai nhựa sau khi uống, bạn phải súc sạch chai, chia riêng nắp, phần thân chai và vỏ nylon ghi nhãn hiệu bỏ vào 3 thùng rác khác nhau. Các loại rác nhựa, rác tái chế cần làm sạch trước khi bỏ vào túi rác. Trong một số trường hợp, khi rác nhựa, rác tái chế bị bẩn không làm sạch được thì có thể phân loại vào rác đốt được.

Với các thiết bị điện tử như ti vi, quạt điện… và một số đồ cồng kềnh như ghế sofa, muốn vứt rác phải trả thêm phí. Chẳng hạn như tại Shibuya, Tokyo, bạn mất 400 yên để vứt 1 cái ghế, 1200 yên cho 1 cái đệm và 2000 yên cho 1 cái sofa.

Chủ nhân phải đăng ký để vứt các rác thải kích cỡ lớn này và phải mua một dạng giống như sticker dán lên các đồ dùng trước khi bỏ ngoài bãi rác. Khi thấy các sticker, nhân viên mới thu gom mang đi. Còn nếu không muốn mất phí, chủ nhân phải tự tháo dỡ từng đồ vật, phân loại các chi tiết cấu thành đồ vật đó theo đúng nguyên tắc phân loại và cho vào từng túi buộc gọn gàng.

rac cung can gan nhan ghi ten
Một khu thu gom rác tập trung của người Nhật. Ảnh: Theo Japan Info

Điều đặc biệt nhất ở Nhật Bản là việc quy trách nhiệm phân loại, trả phí cho chủ nhân xả thải rác vô cùng rõ ràng.

Anh Tuấn cho biết, ở nhiều khu chung cư, túi rác trước khi được đưa ra nơi thu gom sẽ phải gắn biển tên và số nhà của người đổ. Một số điểm gom rác tập trung có gắn camera để "truy tìm" ngược những người không chịu phân loại rác. Nếu không có biển tên, camera, chủ đất, thành viên ban quản trị chung cư... sẽ là người giám sát, truy tìm chủ nhân túi rác chưa được phân loại nếu không muốn phải bới rác lại và làm thay.

Nhân viên thu gom rác ở Nhật Bản có quyền không thu gom tất cả các loại rác không được phân loại đúng cách, không thu gom rác mang ra điểm thu gom sai ngày. Cộng đồng dân cư cùng giám sát xem ai là người có trách nhiệm với túi rác xả ra môi trường và yêu cầu người này phân loại lại để rác được thu gom, đảm bảo môi trường trong lành cho khu dân cư.

Công ty của anh Tuấn từng có người về nước, mang tất cả các loại rác ra điểm thu gom mà không chịu phân loại. Sau đó, thông báo đã được gửi tới tận công ty kèm phiếu thu tiền công phân loại rác thay. Công ty phải nộp thay sau đó thông báo về công ty ở Việt Nam để có hình thức xử phạt riêng.

Gắn nhãn trách nhiệm và tăng cường giám sát cộng đồng

Tại Việt Nam, Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đề xuất hướng sửa đổi đối với chất thải sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, dự thảo Luật quy định theo hướng thu tiền thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

rac cung can gan nhan ghi ten
Người Việt vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi sẽ phải thay đổi nếu Luật mới quy định cụ thể, chặt chẽ, nghiêm khắc về phân loại rác tại nguồn cũng như trách nhiệm của người xả rác. Ảnh: Hoàng Duy

Theo đó, chất thải rắn có khả năng tái chế được lưu giữ trong các bao bì thông thường, đảm bảo khả năng lưu chứa không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải thực phẩm được lưu chứa trong các bao bì màu Xanh được gắn Nhãn xanh Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt thông thường được lưu chứa trong các bao bì màu Vàng được gắn Nhãn xanh Việt Nam. Các bao bì này do cơ sở có đủ năng lực sản xuất theo đặt hàng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, hộ dân đô thị sẽ trả tiền rác qua hình thức mua túi đựng rác.

Để tăng tính khả thi, dự luật cũng đưa ra quy định về sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải như một phần bình thường của cuộc sống thì việc quy trách nhiệm, các hình phạt đối với việc xả rác bừa bãi phải thật rõ ràng và nghiêm khắc.

Vậy thì nên chăng Việt Nam cũng học Nhật Bản, tổ chức điểm thu gom tập trung, yêu cầu gắn nhãn ghi tên lên túi rác, gắn camera tại điểm thu gom... để nhân viên thu rác, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng cùng biết và giám sát.

Sự tỉ mỉ và khắt khe trong phân loại rác của người Nhật đã giúp họ tái chế và xử lý rác hiệu quả, nhanh chóng và không gặp các cơn khủng hoảng rác thải đô thị. Người Việt sang Nhật Bản từ chỗ không biết phân loại, quen bừa bãi cũng phải nhanh chóng thích ứng để tuân thủ luật pháp về môi trường của nước bạn nếu không muốn bị phạt nặng, thậm chí là trục xuất.

Những quy định cụ thể về phân loại, thu gom rác được Luật hóa với những hình phạt cụ thể cùng với quy trình đồng bộ ban đầu có vẻ khó khăn với người dân khi thực hiện. Tuy nhiên, thói quen đổ rác theo những nguyên tắc ngặt nghèo cũng có thể rèn luyện, có thể mất 5 năm, 10 năm. Có vậy, mới thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng để rác cũng trở thành một nguồn tài nguyên quay trở lại phục vụ cuộc sống.

Huyền My
Phiên bản di động