Sáng kiến đổi rác lấy tiền

Chương trình đổi rác tái chế lấy tiền của bang Victoria (Australia) chính thức bắt đầu. Theo đó, người dân có thể mang vỏ lon, chai, hộp đựng đồ uống đủ điều kiện tái chế đến các điểm thu gom để nhận 10 xu cho mỗi vỏ.
Các start-up tại ASEAN biến rác thải nhựa thành sản phẩm tiêu dùng Bảo vệ loài voi, Sri Lanka cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần Hành động vì đại dương không rác thải nhựa

Người dân tại bang Victoria có thể chọn hình thức nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng, nhận phiếu giảm giá khi mua hàng; hoặc có thể quyên góp số tiền này cho một tổ chức từ thiện hoặc nhóm cộng đồng có liên kết với chương trình.

Giới chức bang cho biết, chương trình đổi rác tái chế lấy tiền triển khai với mục tiêu giảm 50% lượng rác thải của địa phương này.

Sáng kiến đổi rác lấy tiền
Người dân Victoria sẽ được hoàn 10 xu cho mỗi lon hoặc chai nhựa theo chương trình đổi rác lấy tiền (Ảnh: ABC News)

Bộ trưởng Môi trường bang Victoria Steve Dimopoulos bày tỏ hy vọng chương trình sẽ góp phần mang lại một tương lai bền vững hơn; đồng thời phần nào tạo thêm nguồn thu cho người dân.

Cậu bé Ashton Hanson, 10 tuổi, ở Bentleigh East, bang Victoria, cho biết, mình sưu tập hộp đựng đồ uống bỏ đi từ tháng 5 và đã thu thập được 4.700 vỏ lon.

“Cháu cảm thấy phấn khích. Hàng tuần, bọn cháu đi dạo quanh các khu vực để xem có thể thu được thứ gì. Khi đổi được tiền, cháu sẽ mua một bàn chơi khúc côn cầu”, cậu bé Ashton Hanson cho biết.

Sau khi thu gom, rác sẽ được phân loại rồi gửi đến các trung tâm tái chế, biến những thứ bỏ đi thành những món đồ sử dụng mới. Giám đốc Exchange Depot, ông Damien Woolford, chịu trách nhiệm vận hành các điểm thu đổi ở khu vực Đông Bắc bang Victoria, cho hay, với quy trình đơn giản này, mọi thứ rác thải làm từ nhôm, nhựa, thủy tinh hoặc polyethylene đều được tái chế một cách dễ dàng.

Sáng kiến đổi rác lấy tiền
Rác thu đổi tại bang Victoria sẽ được gửi đến các trung tâm tái chế, biến thành những món đồ sử dụng mới (Ảnh: ABC News)

Theo ông Woolford, nhiều câu lạc bộ thể thao ở bang khác đã tham gia chương trình để gây quỹ mua đồng phục và thiết bị, dụng cụ mới hay những nhóm cộng đồng quyên tiền cho các sáng kiến khác nhau.

Theo kế hoạch trong 9 tháng kể từ khi chương trình bắt đầu, bang Victoria sẽ thiết lập ít nhất một điểm thu gom cho mỗi khu vực đô thị có 14.500 người sinh sống; một điểm cho khu vực nông thôn có 750 người sinh sống và một điểm cho thị trấn có 350 người dân ở vùng sâu vùng xa.

Trên thực tế, nhiều bang khác tại Australia đã triển khai chương trình đổi rác lấy tiền từ sớm. Tại bang Nam Australia, chương trình được thực hiện từ năm 1977 với tỷ lệ hoàn trả tiền cho rác lên đến 77%. Bang New South Wales triển khai từ cuối năm 2017. Bang Queensland thì từ cuối năm 2018, với tỷ lệ hoàn trả hơn 60%...

Theo kênh ABC News, kể từ khi New South Wales triển khai chương trình, người dân ở nhiều nơi ngoài bang cũng mang rác tái chế đến để đổi tiền.

Không chỉ tại Australia, những sáng kiến để giảm thiểu rác thải nhựa cũng đang được nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong 4 năm qua, tổ chức môi trường Sáng kiến Làm sạch Châu Phi (African Cleanup Initiative) đã triển khai dự án đổi rác thải nhựa thành học phí nhằm hỗ trợ giáo dục cho trẻ em Nigeria.

Theo đó, thay vì đóng học phí theo quy định, phụ huynh tại các trường tham gia dự án Giáo dục RecylcesPay của Sáng kiến Làm sạch Châu Phi có thể nộp bằng rác thải nhựa như vỏ lon nhựa, giấy báo cũ…

Sáng kiến đổi rác lấy tiền
Chị Fatimoh Adeosun, 48 tuổi, phân loại rác thải nhựa để đổi lấy tiền học phí cho con ở Lagos, Nigeria (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi không muốn trẻ em phải nghỉ học, không được tiếp cận giáo dục cơ bản vì học phí. Vì vậy, dự án giúp hạn chế số lượng trẻ em, nhất là trẻ khó khăn bị thất học và tiếp cận nền giáo dục chất lượng”, ông Alexander Akhigbe - người sáng lập tổ chức cho biết.

Ông Alexander Akhigbe cũng chia sẻ, chất thải nhựa sau khi thu gom, phân loại sẽ được bán cho các công ty tái chế. Tiền thu về sẽ được trang trải một số chi phí trong nhà trường như trả lương giáo viên, mua sách cho học sinh.

Đến nay, hơn 700 trẻ em được hưởng lợi từ dự án trên. Không chỉ hỗ trợ giáo dục, dự án còn giúp bảo vệ môi trường.

Cũng tại Nigeria, có những người dân nghèo đến mức thu nhập hàng tháng của họ không đủ để chi trả bảo hiểm y tế. Do đó, một ý tưởng mới để giúp những người nghèo có được bảo hiểm y tế đó là thu thập phế liệu và đổi lấy bảo hiểm y tế.

Người sáng lập Soso Care (đổi rác lấy bảo hiểm), ông Nonso Opurum, cho biết, ông đã đưa ra ý tưởng này để giúp giải quyết hai vấn đề tồn tại đã lâu của Nigeria là lãng phí rác có thể tái sử dụng và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng.

Các loại rác thải nhựa được người dân mang đến đổi sẽ được bán các công ty tái chế địa phương hoặc xuất khẩu.

Với 3kg sắt vụn hoặc 4 - 5kg rác thải nhựa, người dân có thể đổi bảo hiểm sức khỏe trong một tháng. Nếu đổi pin sử dụng một lần thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong một năm.

Công ty nghiên cứu Statista cho biết, chỉ 3% dân số có bảo hiểm y tế ở Nigeria. Do đó, ý tưởng đổi rác lấy bảo hiểm sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của người dân tại quốc gia Châu Phi này.

Ngọc Ly
Phiên bản di động