Những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi dã ngoại
Vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Bé trai 5 tuổi đã tử vong Nỗi lo ngộ độc thực phẩm: Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì? Sau bữa ăn trưa hàng chục công nhân bị ngộ độc |
Ăn uống ngoài trời…
Những năm gần đây, việc đi du lịch dã ngoại, cắm trại ngoài trời đã trở thành sở thích, thói quen của gia đình anh Nguyễn Đức Minh (Hà Nội). Vì đi thường xuyên nên gia đình anh mua đầy đủ những vật dụng cần thiết cho chuyến đi như: lều cắm trại, bộ bàn ghế gấp, bếp nướng, vỉ nướng, nồi, bát đĩa, thùng xốp đựng thức ăn…
Chuyến đi có thể trong ngày nhưng cũng có khi kéo dài 2 ngày nên thực phẩm mang theo cũng được chuẩn bị sẵn.
“Nếu đi về trong ngày thì có các món như mỳ ý cho trẻ con, thịt nướng cho người lớn. Các loại củ quả sẽ rửa sạch sẽ ở nhà, sau đó cho vào thùng giữ lạnh và mang đi. đến nơi làm nóng lại mỳ cho trẻ con ăn, người lớn ăn đến đâu thì sẽ làm đến đó.
Ngày thứ 2 thì ăn uống dọc đường hoặc sẽ mua thức ăn tươi tại các chợ địa phương để chế biến (như trứng, thịt bò để làm bánh mỳ), đặt gà của người địa phương để nấu cháo”, anh Minh kể.
Nhiều gia đình chọn cắm trại vào các dịp cuối tuần |
Không có điều kiện đi xa, nhiều bạn trẻ chọn các công viên ngay thành phố. Nhóm bạn Nguyễn Quỳnh Trang (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết thường chọn công viên Yên Sở tại quận Hoàng Mai cho những chuyến dã ngoại của mình. Địa điểm gần kèm khả năng tài chính có hạn nên việc chuẩn bị thực phẩm, đồ ăn mang theo cũng không quá cầu kỳ.
Bạn Trang cho biết: “Trái cây tươi thay rau xanh chọn loại quả mát như dưa, cơm cuộn gồm cơm, củ quả luộc, xúc xích, thịt nguội hay bánh mỳ chả… là lựa chọn phù hợp.
Thường buổi sáng mới làm đồ ăn để thức ăn luôn tươi mới, mang theo cho vào hộp giữ mát, ăn sớm, không để đồ ăn bị nắng, nóng quá gây hỏng”.
… và nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Dã ngoại ngoài trời là một cách tuyệt vời để tận hưởng những ngày nghỉ bên gia đình, nhưng cần chú ý ngừa những rủi ro ngộ độc thực phẩm. Lý do là khi thực phẩm bị lấy ra khỏi môi trường thông thường phù hợp như tủ lạnh, tủ đông, tủ đựng thức ăn hoặc nhà bếp sạch sẽ trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.
Do vậy, khi thời tiết nắng nóng, hãy cẩn thận hơn với bữa trưa đóng hộp để đi làm, đi học, hay các bữa ăn khi đi dã ngoại và ăn uống ngoài trời.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng do đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh.
Các món nướng thường được nhiều người lựa chọn trong các dịp dã ngoại |
Đặc biệt, khi ăn uống ngoài trời hoặc các buổi picnic, cắm trại dễ có nguy cơ ngộ độc hơn do các điều kiện thuận lợi như: Vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn; các phương tiện vệ sinh và rửa tay không đầy đủ và không phải lúc nào cũng có sẵn nước sạch; thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn từ côn trùng, động vật gây hại, động vật và bụi.
Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển dễ dàng hơn trên một số loại thực phẩm so với những loại khác. Một số thực phẩm có nguy cơ cao bao gồm: Thịt sống và thịt nấu chưa chín hẳn, hải sản, các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như các món tráng miệng làm từ sữa, các loại salad trộn, thực phẩm ăn liền - chẳng hạn như bánh mì, bánh sandwich, bánh cuộn và bánh pizza có chứa bất kỳ loại thực phẩm nào ở trên.
Cách bảo quản thực phẩm khi đi dã ngoại
Đồ ăn mang theo những chuyến dã ngoại luôn là yếu tố không thể thiếu, tuy nhiên, ngoài chuyện mang gì, ăn gì cho tiện lợi và ngon miệng thì chuyện bảo quản đồ ăn ra sao cho thật tươi mới, an toàn cũng không thể bỏ qua.
Theo ông Dương Văn Hùng , Phó Chủ tịch Liên chi hội đầu bếp Việt Nam, các gia đình nên chọn các món ăn khô, hạn chế chọn những món ăn có nước.
Thực phẩm nên chia thành suất, bao gói sạch sẽ hoặc hút chân không, đưa thực phẩm này vào trạng thái bảo quản đông lạnh, hoặc bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ chứa đá lạnh, giúp nguyên liệu không bị hư hỏng.
Điều đáng lưu ý là nên chọn thực phẩm thật tươi. Rau, củ, quả sơ chế sạch sau đó chia thành từng phần, được bảo quản riêng từng loại, tránh nhiễm chéo vi khuẩn.
Chú ý cách bảo quản thực phẩm để chuyến dã ngoại thêm trọn vẹn |
Chọn thực phẩm ưu tiên theo nhu cầu của từng gia đình nhưng lưu ý nguyên liệu chính vụ, đúng vụ để thực phẩm có được chất lượng tốt nhất.
Các thực phẩm nên ở độ vừa chín tới, tránh mua đồ chín mềm dễ bị dập nát trong quá trình di chuyển; nên chọn rau củ quả có hàm lượng nước thấp. Củ quả nên để nguyên không nên sơ chế để tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu.
Thông thường mọi người hay chọn cách bảo quản trong thùng xốp có đá. Đây là một thói quen phổ biến tuy nhiên, cách làm này chỉ là một trong nhiều biện pháp bảo quản thực phẩm và tất nhiên không phải loại thực phẩm nào cũng được bảo quản như vậy.
Nhiệt độ lạnh lý tưởng để bảo quản thực phẩm mang đi dã ngoại là từ 4 - 6 độ C. Chúng ta có thể sử dụng các loại đá lạnh sạch. Trong trường hợp đá chưa tan nhiệt độ ổn định sẽ được duy trì, nhưng nếu đá tan chảy thì nhiệt độ trong thùng sẽ tăng dần lên.
Với thùng xốp dung tích từ 4 - 5 lít chúng ta có thể sử dụng khoảng 1kg đá lạnh. Trên thị trường hiện có bán một số loại đá khô có tác dụng duy trì nhiệt độ 4 - 6 độ C trong vòng 4 - 6 tiếng trong điều kiện bảo quản kín.
“Để bảo quản thực phẩm mang theo những cuộc picnic trong thời gian dài thì ngoài việc phải cho vào những thùng xốp thì chúng ta nên chia thành suất giúp bảo quản dễ dàng.
Một số thực phẩm có thể sơ chế bán thành phẩm, gần chín; cũng có thực phẩm nên tẩm ướp một số loại gia vị như gia vị mặn sẽ giúp bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn”, ông Hùng cho biết.