Phân loại rác: Cách làm và kinh nghiệm quốc tế
Nhưng để phân loại được rác, trước hết người dân phải biết cách làm và có ý thức phân loại tại nguồn.
Từ việc phân loại rác đúng cách sẽ tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu tái chế, giảm “áp lực” cho các bãi rác như ở các nước phát triển.
Cách phân loại rác thải trong sinh hoạt
Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường; Là một trong những nguyên nhân chính gây ra và làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Với số lượng rác thải thu gom hàng ngày khổng lồ, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.
Thực tế, vấn đề rác thải chưa được các hộ gia đình quan tâm đúng mức; Phần nhiều có thói quen cái gì không sử dụng được thì vứt đi, phần còn lại do… chưa biết cách. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của mọi người.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp tích cực, góp phần giảm thiểu chi phí bảo vệ môi trường.
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra và làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, việc phân loại rác tại hộ gia đình là một việc làm rất có ý nghĩa, rất cần thiết và dễ dàng hơn rất nhiều so với phân loại ở bãi rác tập trung.
Mỗi gia đình có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ thông qua việc tái chế và tái sử dụng các vật dụng hư hỏng.
Đồng thời, việc phân loại rác tại hộ gia đình còn góp phần làm giảm khối lượng chất thải rắn đổ về các bãi rác, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái đang ngày một xuống cấp đến mức báo động như hiện nay.
Học sinh Hà Nội đua gom vỏ hộp giấy, xây thói quen phân loại rác |
Đại diện Công ty URENCO cũng chia sẻ cách phân loại rác thải sinh hoạt.
Cụ thể, rác thải là các loại chất thải, phế liệu sau khi sử dụng và thải ra môi trường bên ngoài. Các loại rác thải này có thể ở dạng rắn (rác thải), lỏng (nước thải), khí (khí thải).
Rác thải sinh hoạt là các chất thải mà con người không sử dụng tới, thải ra trong cuộc sống hàng ngày như bao ni lông, thức ăn, vỏ trái cây, các đồ vật không sử dụng được hoặc hư hỏng,…
Rác thải sinh hoạt được được chia thành 3 loại: Rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ.
Rác tái chế là những loại rác thải mà sau khi con người loại bỏ vẫn có thể được tái sử dụng lại như: Chai nhựa, vỏ hộp, túi nhựa, giấy báo…
Đây là loại rác thải khó phân hủy nhưng vẫn có thể được tái chế với mục đích phục vụ cho đời sống. Ví dụ đơn giản nhất là làm những đồ vật tiện dụng hoặc để trang trí mang đầy tính sáng tạo.
Rác hữu cơ là những loại rác dễ dàng phân hủy, gồm: Hoa quả, bã trà, bã café, rau củ, thức ăn thừa, lá cây… Chúng là phần bỏ đi của thực phẩm sau khi chế biến, là phần thực phẩm thừa hoặc hư hỏng không thể sử dụng.
Chúng thường được tận dụng làm phân xanh (phân hữu cơ) hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi. Thay vì vứt đi những thực phẩm thừa, chúng ta có thể sử dụng để ủ thành phân.
Rác vô cơ là rác thải không thể sử dụng và không thể tái chế. Với những loại rác thải này, chỉ có cách chôn dưới đất hoặc đốt, gồm: Các loại bao bì dùng để bọc bên ngoài hộp/chai thực phẩm, các loại túi ni lông, đồ chơi, quần áo, xương động vật, giấy ăn, than, vỏ sò, vỏ hến…
Đây là loại rác nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chính đời sống của chúng ta và con em chúng ta sau này.
Kinh nghiệm quốc tế
Đi đến hầu hết các gia đình hoặc các địa điểm công cộng ở Nhật Bản, điều dễ dàng nhận thấy là rác thải đều được thu gom, phân loại rất quy củ.
Trước đây, Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề liên quan đến môi trường và rác thải.
Nhưng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, người dân cũng như các doanh nghiệp xử lý rác, rác thải đã thực sự trở thành nguồn tài nguyên quý giá đối với một quốc gia vốn không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản.
Đi trên đường phố, đến các vùng nông thôn hay tham gia ngày lễ hội ở Nhật, điều ấn tượng nhất là không hề thấy xuất hiện rác trên mặt đất. Tất cả đều được thu gom trong những túi, thùng theo quy định.
Hơn thế, rác sẽ được phân loại theo các thùng riêng như: Thùng đựng giấy, thùng đựng nhựa, thùng vỏ lon...
Người Nhật không vội vứt rác ngay, ngay từ các bạn nhỏ đã vậy; Họ bỏ vào thùng. Phân loại rác đã trở thành một thói quen của người dân Nhật Bản. Họ luôn ý thức được cần phải duy trì thói quen đó ở mọi lúc, mọi nơi.
Thị xã Osaki nằm ở phía Bắc tỉnh Kagoshima (miền Nam Nhật Bản) cách đây 15 năm cũng phải đối mặt với những nguy cơ về xử lý rác thải. Chính quyền thị xã đã đề ra phương án cần phải phân loại rác để tái chế.
Theo đó, các hộ gia đình ở Osaki đều được phân phát bảng hướng dẫn phân loại rác chi tiết.
Trong đó, rác thải từ nhà bếp (chiếm khối lượng nhiều nhất) sẽ được thu gom theo các ngày quy định trong tuần (2 - 3 lần/tuần), sau đó sẽ được chuyển đi để tái chế thành phân hữu cơ cho cây trồng.
Các loại rác khác sẽ được đóng vào túi, mỗi túi đều ghi tên của các hộ gia đình. Nếu sau khi kiểm tra, túi rác của hộ gia đình nào chưa phân loại đúng sẽ bị trả lại và người dân sẽ được nhắc nhở thêm về cách phân loại rác.
Thậm chí, các loại túi nhựa, bao bì sẽ được các hộ sửa sạch, treo lên cho khô ráo rồi mới cho vào túi mang đến các điểm thu gom. Điều này sẽ làm cho khâu phân loại và kiểm kê rác thải của các đơn vị xử lý rác thải trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều.
Khi rác chưa được phân loại, tất cả đều trộn lẫn với nhau thì kéo theo các vấn đề bất cập như: mùi hôi thối, ruồi nhặng... rất mất vệ sinh.
Nhưng sau khi phân loại, tình trạng này đã được giảm đi đáng kể. Rác sau khi phân loại sẽ được ép chặt, đóng gói để bán cho các doanh nghiệp tạo thành phẩm.
Theo số liệu thống kê ước tính, lợi nhuận từ rác tái chế tại Osaki trong năm 2011 là 10 triệu Yên. Số tiền này cũng sẽ được trích lại một phần cho người dân - những người có công rất lớn trong việc phân loại rác ngay từ khâu đầu tiên.
Tuy nhiên, phải kể đến cơ chế phối hợp giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp xử lý rác thải để có được những kết quả kể trên tại Osaki.
Chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, cấp phép cho các doanh nghiệp được phép thu gom và xử lý rác.
Đồng thời, chính quyền cũng quy định việc phân loại rác, ngày giờ thu gom rác, hướng dẫn, tập huấn cho người dân.
Chính quyền cũng đảm bảo đầu ra cuối cùng cho sản phẩm. Điều này góp phần làm cho quy trình thu gom và tái chế rác được đảm bảo ổn định và duy trì lâu dài hơn.
Các em được dạy phân loại rác, ép chai nhựa thành "gạch sinh thái" (ảnh minh họa) |
Còn ở Seoul (Hàn Quốc) có quy định phân loại các loại rác thông thường, tái chế và rác điện tử rõ ràng. Rác phải bỏ vào đúng thùng rác được quy định phân loại ở khu vực thu gom rác chung của một khu dân cư, rác nhà riêng thì phải cho vào túi rác được quy định.
Túi rác thay đổi màu sắc theo quy định kèm những chi tiết hướng dẫn về quy cách phân loại, giờ thu gom loại rác được đựng trong túi rác ấy cũng như khuyến cáo mức phạt nếu làm sai quy định.
Giá, kích thước túi rác và mức phạt được quy định thành chuẩn chung cho cả nước, chỉ khác về màu sắc và thông tin của địa phương được in trên túi. Rác thải có kích thước lớn không có túi khi vứt đi sẽ phải trả phí riêng theo quy định.
Tiền rác được tính vào tiền túi rác người dân phải mua. Điều này có nghĩa bạn dùng nhiều phải trả tiền nhiều. Không bỏ rác đúng vào túi rác quy định thì người ta sẽ không thu gom rác và có thể bị phạt ở mức phí cao ngất ngưởng 1 triệu won (19 triệu đồng). Để tiết kiệm khoản tiền này, người dân sống ở chung cư phải ra sức và tuân thủ quy định phân loại rác và bỏ vào các thùng rác.
Tại Đài Loan, người dân phải phân rác thải thành ba loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế và rác thải nhà bếp.
TP Đài Bắc còn phân loại thêm rác dùng cho phân bón và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho heo).
Hiện Đài Loan có tới 14 loại rác tái chế được hướng dẫn cụ thể cho người dân trước khi phân loại đổ rác.
Như vậy, có thể thấy, câu chuyện phân loại rác ở một địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thêm một lần nữa khẳng định, đây thực sự là nguồn tài nguyên quý giá nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác triệt để. Đó cũng là cách để chúng ta nâng niu và bảo vệ môi trường.