Quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế
Hà Nội "đi" từng bước vững chắc để phục hồi kinh tế 8 nhóm nhiệm vụ phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm |
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Cùng lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ban, ngành thành phố.
Đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua và nhiệm vụ những tháng cuối năm. Theo đó, trong quý III/2021, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý III giảm 7,02%. Do quý I và quý II tăng khá nên lũy kế 9 tháng GRDP tăng 1,28% - thấp nhất từ trước đến nay. Sản xuất, kinh doanh các tháng 7, 8, 9 trong hầu hết các lĩnh vực giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng duy trì tăng 4,1%.
Bên cạnh chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá như: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 9 tháng đạt 178.225 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán Trung ương giao (70,9% dự toán của TP), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, trong đó một số lĩnh vực tăng cao.
Các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thành phố đã quyết định hỗ trợ cho trên 1,689 triệu lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 696,288 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; Quyết định hỗ trợ theo chính sách đặc thù (Nghị quyết số 15, 17 của HĐND TP) cho hơn 288,5 nghìn người, hộ kinh doanh với kinh phí là 295,547 tỷ đồng; Bổ sung vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm 1.050 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ 89,274 tỷ đồng cho hơn 175 nghìn hộ nghèo, các đối tượng khó khăn. Lũy kế đến hết tháng 9/2021, tổng số tiền thuế gia hạn theo Nghị định số 52 của Chính phủ là 12.800 tỷ đồng.
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đầu tư bằng buồn vốn Nhà nước; Giám sát các quy hoạch treo trên địa bàn thành phố; Đề nghị Chính phủ xem xét việc di chuyển các bệnh viện lớn, các trường đại học trong nội thành ra ngoại thành để giảm tải áp lực dân số và giao thông; Có kế hoạch cụ thể trong việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 -18 tuổi...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại buổi làm việc |
Tại cuộc làm việc, các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong 9 tháng năm 2021. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo, điều hành chủ động quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đang được cử tri và Nhân dân Thủ đô quan tâm như công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh; Các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm; Việc dạy và học trực tuyến…
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.
Lưu ý các nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong đó, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô; Mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, vào thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
Thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, của người đứng đầu, của các tổ Covid-19 cộng đồng; Tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, xe cứu thương, xét nghiệm, điều trị.
Trước mắt, thành phố tiếp tục duy trì các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung, điều trị F0, thậm chí phải tiếp tục rà soát, củng cố để sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn khi xảy ra tình huống xấu.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Nhấn mạnh tầm quan trọng phải đẩy mạnh phục hồi, phát triển mạnh kinh tế, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.
Ngay tuần tới, thành phố sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tinh thần đối thoại cũng rất đổi mới, đó là có những vấn đề cụ thể phải được tháo gỡ ngay tại các hội nghị đối thoại, không chờ đợi.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những vấn đề chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Với mục tiêu từng bước đột phá về đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, Hà Nội sẽ lấy nhân tố con người để thay đổi, trước hết là tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có điều chỉnh cần thiết.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện các dự án mang tính chất đột phá, tạo động lực mới cho Thủ đô và đáp ứng đòi hỏi của người dân như Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4, cải tạo chung cư cũ.
Đứng trước những yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu để báo cáo, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Có cơ chế khơi thông các nguồn lực để phục vụ phát triển, nhất là nguồn lực chất xám vốn đang là thế mạnh của Thủ đô.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các cơ quan thành phố tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn nữa với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và và từng đại biểu nhằm phản ánh chính xác tình hình, những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân, cũng như của các cơ quan thành phố với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; Nâng cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phục vụ Nhân dân.