Hà Nội "đi" từng bước vững chắc để phục hồi kinh tế
Chuyển từ "không Covid-19" sang thích ứng an toàn
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương coi chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong 2 tháng của quý III.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tính giảm 7,02%. Đây là mức giảm đã được lường trước, trên thực tế đã được giảm thiểu nhờ việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích, mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động bảo đảm yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh không bị đứt gãy; Tạo điều kiện cho một số ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng, ép giá, khan hiếm diện rộng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Tổng Công ty May 10 |
Ngoài khoảng thời gian khó khăn của quý III, nhìn tổng thể, nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Mặc dù nổ ra đợt dịch thứ tư nhưng GRDP quý II của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, nên không những bảo đảm an sinh xã hội cho mình, Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch thứ tư, Thủ đô đã chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...
Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Lãnh đạo thành phố xác định rủi ro còn rất lớn vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin còn thấp (đến ngày 3/10 đạt 23% dân số trên 18 tuổi và 16,6% tổng dân số), người dân từ 18 tuổi trở xuống thì chưa được tiêm vắc xin; Trong khi nguy cơ phát sinh ca mắc mới, dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào mà trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là ví dụ. Quan điểm của thành phố Hà Nội là không "mở cửa" ồ ạt mà dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định đây là cách làm phù hợp, cần thiết, bởi vừa đáp ứng việc phục hồi sản xuất, nhưng cũng phải kiềm chế phần nào nguy cơ bùng phát dịch.
Thực hiện 3 nhiệm vụ xuyên suốt
Trao đổi với báo chí mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo.
Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh... Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Thành ủy cũng đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô.
Hiện nay, UBND thành phố đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đối với những ổ dịch mới phát sinh như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương tập trung khoanh vùng, truy vết thần tốc, nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch lây lan, thu hẹp dần diện phong tỏa để sớm kết thúc ổ dịch này. Thành phố sẽ tiếp tục quan điểm nhất quán là luôn linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế... Vẫn biết rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng ý thức rõ về vai trò, vị trí quan trọng này, thành phố sẽ nỗ lực để biến nguy thành cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao để giữ vững thành quả chống dịch, tạo sức hút đầu tư trong và ngoài nước, nhanh chóng phục hồi kinh tế...