Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm hơn 620 tỷ đồng

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa thông tin chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong quý I/2019 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trượt dài thua lỗ, Vinafood 2 muốn kinh doanh thêm bất động sản và xăng dầu Giá xăng dầu giảm lần thứ 2 liên tiếp Cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Theo đó, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2018 là 3.504,376 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong quý I/2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 1.659,258 tỷ đồng;

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý giá, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý I/2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 5.787,683 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý I/2019 là 3,406 tỷ đồng.

Kết quả, số dư Quỹ BOG đến hết quý 1/2019 (đến hết ngày 31/3/2019) là âm 620,643 tỷ đồng.

quy binh on gia xang dau am hon 620 ty dong
Ảnh minh họa.

Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội này kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng, dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Trong khi đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu.

Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ BOG, theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm… mà giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào.

Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới xăng rất cao, 4 tháng đầu năm 2019 giá dầu thô biến động tăng cao, ngày 23/4 vừa qua đã đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 28,85-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương-Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ BOG. Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn.

Việc sử dụng Quỹ BOG giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước. Chính vì thế, thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh ta đã phải chi sử dụng Quỹ BOG rất nhiều.

Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù giá thế giới có xu hướng tăng nhưng Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3/2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động