Quốc hội sẽ quyết định việc sáp nhập tỉnh trong tháng 5 tới

Tại kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việcbỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội có thể khai mạc sớm hơn thường lệ

Ngày 11/3, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau 6,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định khối lượng công việc lớn, đảm bảo thận trọng, chặt chẽ.

Đây là sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Quốc hội sẽ quyết định việc sáp nhập tỉnh trong tháng 5 tới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

“Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bên cạnh triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm ban hành nghị định, thông tư để các luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5 tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, khối lượng công việc trong kỳ họp sắp tới cũng hết sức nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian kỳ họp sẽ dài nhất, có thể khoảng 2 tháng, trong đó thời gian nghỉ dự kiến 3 tuần. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự luật, cho ý kiến về 16 dự luật, trong đó có sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi các luật liên quan đến Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan đến 11 dự luật sẽ thông qua cần tiến hành tiếp thu, giải trình thấu đáo, thuyết phục đối với các đại biểu Quốc hội, cũng như 16 dự luật cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 9, thông qua tại kỳ họp 10 vào cuối năm nay.

Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, khối lượng công việc tới đây rất lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các phiên họp ngoài giờ để xem xét, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tới đây phải sáp nhập 60-70% trong 10.000 đơn vị cấp xã. Dự kiến, sẽ phải họp cũng phải nửa tháng ngoài giờ, bởi trong giờ cũng không còn thời gian. Vừa qua, khi sắp xếp hơn 1.000 xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải họp rất nhiều cuộc.

Nhấn mạnh dư luận rất quan tâm đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, phương án sáp nhập tỉnh là Quốc hội quyết định. Còn với cấp xã, cấp huyện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết, tuy nhiên sau khi Hiến pháp sửa đổi sẽ bỏ cấp huyện. Khối lượng công việc rất lớn và rất khó.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong bối cảnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần bám sát Kết luận số 126, Kết luận số 127, Kết luận số 128 của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng đề án, thẩm tra và cho ý kiến.

Với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cần chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.

Hậu Lộc
Phiên bản di động