Quảng Nam: Kỷ niệm 700 năm ngày giỗ tổ nghề yến

Nếu như ngày mùng 10/3 Âm lịch hằng năm là ngày Lễ giỗ Tổ vua Hùng, thì ngày này cũng chính là ngày Lễ tế giỗ Tổ nghề yến Cù Lao Chàm – Hội An. Hoạt động vừa được diễn ra sáng ngày 14/4/2019 tại Miếu tổ nghề yến, thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm (Quảng Nam).    

Cách đây hơn 700 năm, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến đi kinh lý nước Chiêm Thành, trên đường đi, Thượng Hoàng đã được nhân dân dâng lên món ăn được chế biến từ yến sào. Đây là những bút tích còn lưu lại trong lịch sử với nghề khai thác yến sào Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng.

quang nam ky niem 700 nam ngay gio to nghe yen
Ngày mùng 10/3 âm lịch là ngày Lễ giỗ Tổ vua Hùng thì cũng chính là ngày Lễ tế giỗ Tổ nghề yến Cù Lao Chàm – Hội An.

Ông Huỳnh Ty, Đội Phó Đội Khai thác và Quản lý yến Hội An cho rằng, miếu Tổ nghề yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ Tổ nghề yến và các vị thần bảo hộ nghề. Hằng năm vào 10/3 âm lịch, cư dân và người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng linh đình để chuẩn bị vào vụ khai thác mới. “Trong lễ chính thức giỗ Tổ nghề yến chúng tôi mong muốn thế hệ sau ghi nhớ công đức của bậc tiền nhân sáng tạo ra nghề, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau gìn giữ và phát triển nghề.” – Ông Ty nói.

quang nam ky niem 700 nam ngay gio to nghe yen
Người có công lớn trong phát triển nghề khai thác yến sào của làng Thanh Châu vào thời kỳ đầu Triều Nguyễn là ông Hồ Văn Hòa. Năm Gia Long thứ 3 (1804)

Người có công lớn trong phát triển nghề khai thác yến sào của làng Thanh Châu vào thời kỳ đầu Triều Nguyễn là ông Hồ Văn Hòa. Năm Gia Long thứ 3 (1804) ông được triều đình chuẩn y chức đội trưởng Thanh Châu yến sào đội có nhiệm vụ canh giữ, khai thác tổ yến ở Cù Lao Chàm. Đến năm Minh Mạng thứ 1 (1820) ông giữ chức hộ trưởng yến hộ trấn giữ, khai thác tổ yến tam tỉnh (Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòà). Theo thời gian, Yến hộ Thanh Châu không ngừng phát triển, các bậc tiền nhân truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau bảo tồn và phát triển nghề yến Hội An.

Nghề yến là nghề đặc thù và rất nguy hiểm, vì yến làm tổ phía sườn sau các đảo nhỏ của quần thể đảo Cù Lao Chàm trên vách đá, người chuyên nghiệp phải dùng nhiều tre để nối lên tới đỉnh hang yến để khai thác. Hiện tại đây có 3 loại tổ yến có giá trị đó là: Yến Quan, Yến Thiên và Yến Bạc, trong đó Yến Quan là đắt nhất có giá trị 140 triệu/kg được phân bố ở 3 hang: hang Khô, hang Cả và hang Tò vò chiếm 90% trữ lượng tổ yến đảo Cù Lao Chàm.

quang nam ky niem 700 nam ngay gio to nghe yen
Miếu Tổ nghề yến là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo và quy mô ở Cù Lao Chàm,

Ông Tống Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng VHTT thành phố Hội An cho biết, hiện nay chúng tôi chú trọng và duy trì phát triển nghề này. Bên cạnh đó giá trị phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy bởi vì các kinh nghiệm về khai thác từ tri thức dân gian. Đồng lời việc tổ chức tế lễ Giổ nghề yến này thì cũng góp phần rất lớn tạo được điểm đến, thu hút lượng khách du lịch đến với Cù Lao Chàm, Hội An nhiều hơn.

Theo tiến sĩ Võ Tấn Phong, thành viên Đề tài nghiên cứu các giải pháp cứu hộ yến đảo Cù Lao Chàm. Trong những năm qua hiện tượng khí hậu ngày càng cực đoan, yếu tố ẩm độ, nhiệt độ, sóng biển ngày càng không thích hợp với các hang yến. “Chúng tôi cũng có những giải pháp kỹ thuật chống ẩm cho các hang, triển khai các giải pháp tăng nguồn thức ăn để bổ sung thêm thức ăn cho chim yến đặc biệt là mùa sinh sản và bước đầu cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan bước đầu, giúp cho công tác bảo tồn và phát triển yến đảo tốt hơn” - Tiến sĩ Phong chia sẻ.

quang nam ky niem 700 nam ngay gio to nghe yen
Lễ cầu cho việc khai thác yến sào được bình an, thuận lợi, nghề yến ngày ngày phát triển

Miếu Tổ nghề yến là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo và quy mô ở Cù Lao Chàm, tọa lạc trên gò cát bên cạnh khe Cây Cừa, thôn Bãi Hương . Miếu nhìn ra biển, sát tam quan là cây nánh và cây kén cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Miếu được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006 và nghề khai thác yến sào Thanh Châu được đưa vào danh mục phi vật thể quốc gia. Ngoài ra trong đất liền tại xã Cẩm Thanh còn có Miếu Tổ nghề yến (tên gọi khác là miếu ông Tiến) cũng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích cấp tỉnh năm 2011. Lễ tế Tổ nghề yến được tổ chức long trọng tại các ngôi miếu nhằm cầu cho việc khai thác yến sào được bình an, thuận lợi, nghề yến ngày ngày phát triển./.

Hà My - Minh Hải
Phiên bản di động