Quận Tây Hồ: Kiên quyết di dời tàu cũ nát ra khỏi hồ Tây

Theo lãnh đạo quận Tây Hồ (Hà Nội), việc để tồn tại những chiếc tàu, thuyền cũ nát, hoang tàn không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự...
Kiên quyết di dời "bãi phế liệu nổi" ra khỏi hồ Tây, trả lại "lá phổi xanh" cho Thủ đô Thanh niên quận Tây Hồ tình nguyện nhập ngũ báo công dâng Bác

Doanh nghiệp chưa chịu di dời

Theo thông tin phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nắm được, UBND quận Tây Hồ đang phối hợp với các cơ quan liên quan quyết tâm trong quý I/2023, sẽ di dời những chiếc “tàu ma” cuối cùng ra khỏi hồ Tây.

Trước đó, từ ngày 7/2/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo 38 yêu cầu chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về 1 vị trí tập kết để xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này ra khỏi hồ.

Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận Tây Hồ đã chủ trì phối hợp cùng các sở ngành di dời toàn bộ 48 tàu thuyền, phương tiện nổi của 8 doanh nghiệp về neo đậu tại khu vực Đầm Bảy. Các tàu thuyền đã ngừng hoạt động từ thời điểm đó.

Quận Tây Hồ: Kiên quyết di dời tàu cũ nát ra khỏi hồ Tây
UBND quận Tây Hồ đang phối hợp với các cơ quan liên quan quyết tâm trong quý I/2023, sẽ di dời những chiếc “tàu ma” cuối cùng ra khỏi hồ Tây.

Đối với kiến nghị bồi thường của các doanh nghiệp, tháng 4/2018, UBND TP Hà Nội đã có thông báo kết luận số 372. Trong đó, UBND TP Hà Nội khẳng định, quá trình kinh doanh trên hồ Tây, các doanh nghiệp đã có một số sai phạm như phương tiện không được kiểm định theo quy định, không đảm bảo vệ sinh môi trường gây ô nhiễm hồ Tây, không đảm bảo an toàn PCCC... Việc bồi thường tài sản, thiệt hại do ngừng kinh doanh trên hồ Tây cho các doanh nghiệp là không có căn cứ.

Nhằm thực hiện kết luận của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa chấp hành di dời ra khỏi hồ Tây. Đến hết năm 2021, đã có 106 phương tiện lớn nhỏ (gồm 100 xe đạp nước) của 3 doanh nghiệp tự giác di dời khỏi hồ. Đến tháng 6/2022, tiếp tục có 5 phương tiện thủy nội địa (1 tàu lớn, 4 phao nổi) của 2 doanh nghiệp di dời khỏi hồ.

Ngày 30/6/2022, UBND quận Tây Hồ cùng Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp có phương tiện thủy chưa di dời ra khỏi hồ Tây để thống nhất phương án và yêu cầu di dời ra khỏi hồ Tây. Đến ngày 14/7/2022, UBND quận Tây Hồ tiếp tục ban hành văn bản 1029/UBND-QLDA yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành di dời trước ngày 31/7/2022.

Quận Tây Hồ: Kiên quyết di dời tàu cũ nát ra khỏi hồ Tây
Việc để tồn tại những chiếc tàu, thuyền cũ nát, hoang tàn không chỉ ảnh hưởng đến quang cảnh của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường sống và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự...

Một số đối tượng có dấu hiệu nghiện ma túy tụ tập trên du thuyền bỏ hoang

Đến nay, UBND quận Tây Hồ đã tiếp tục di dời 27 phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây. Hiện còn 4 phương tiện gồm 3 tàu và 1 sàn nổi của 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời, UBND quận Tây Hồ cùng Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã thiết lập hồ sơ, quy trình cưỡng chế hành chính để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời triệt để theo chỉ đạo của UBND TP trong quý I/2023. Chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, di dời do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, việc di dời những chiếc “tàu ma” cuối cùng ra khỏi hồ Tây là điều tất yếu phải làm.

Lãnh đạo quận Tây Hồ cho rằng, việc để tồn tại những chiếc tàu, thuyền cũ nát, hoang tàn không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự.

"Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh những chiếc tàu thuyền cũ này bong tróc sơn, có nhiều rác thải, nước đọng, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và rất mất mỹ quan đô thị. Họ còn cho biết, đến tối, đêm, trong những chiếc du thuyền bỏ hoang này xuất hiện một số đối tượng tụ tập, có dấu hiệu nghiện ma túy. Do đó, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm việc này", ông Khuyến nói.

Cũng theo ông Khuyến, sau khi có chỉ đạo của thành phố, cũng như tiếp thu ý kiến của người dân, từ cách đây 6 tháng, UBND quận Tây Hồ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm di dời các phương tiện thuỷ nội địa trên hồ Tây.

"Sau khi được tuyên truyền, các đơn vị đã di chuyển 27 phương tiện. Hiện nay, còn 4 phương tiện nữa chưa di chuyển. Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhất trí", ông Khuyến nói thêm.

Ông Khuyến cũng thông tin thêm, vừa qua, tổ công tác của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội và quận Tây Hồ đã lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

"Chúng tôi mới đây đã ra quyết định cưỡng chế vi phạm. Trong thời gian 10 ngày nữa, nếu họ không di chuyển thì phải thực hiện cưỡng chế", đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết.

Nói thêm về vướng mắc trong quá trình di dời, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, các phương tiện đều rất lớn, trọng tải hơn 400 tấn nên rất khó khăn trong việc di chuyển.

"Chúng tôi đã hỏi ý kiến các đơn vị tư vấn, thậm chí đăng tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để tìm biện pháp tháo gỡ. Các đơn vị đều hồi đáp rằng không có khả năng để cẩu nguyên vẹn các phương tiện vi phạm. Chỉ có biện pháp cắt dỡ ra thì mới chuyển được. Đây là vướng mắc chính", ông Khuyến nói.

Mặc dù vậy, lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định, trong thời gian tới, quận sẽ kiên quyết thực hiện thực hiện cưỡng chế. Bởi, việc di dời triệt để các phương tiện thuỷ nội địa cũ nát ra khỏi Hồ Tây sẽ trả lại "lá phổi xanh" cho Thủ đô, đồng thời, đóng góp lớn vào phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh Hà Nội đẹp đẽ, văn minh.

Vũ Cường
Phiên bản di động