Quận Nam Từ Liêm: Vạch trần thủ đoạn chiếm đoạt gần 160 tỷ đồng trong nửa tháng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam các đối tượng Tạ Anh Trường, Lê Quang Khải, Nguyễn Xuân Hải (cùng sinh năm 2005) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và Nguyễn Tuấn Cảnh, sinh năm 1996, trú tại xã Trường Thành, huyện An Lão (Hải Phòng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cháy khu lán tạm, tập kết rác ở quận Nam Từ Liêm Vai trò "Điểm chữa cháy công cộng" tại Hà Nội Quận Nam Từ Liêm: Phát huy giá trị lịch sử của đình Mễ Trì Hạ Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm

Từ làm thuê sang Campuchia đến trở thành mắt xích rửa tiền

Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 7/2024, Nguyễn Chí Công (SN 2000, trú xã Trường Thành, An Lão, Hải Phòng) - đối tượng không nghề nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với nhóm người nước ngoài, đã rủ Trường, Khải, Hải, Cảnh sang Campuchia làm thuê với mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng. Công yêu cầu nhóm này mở nhiều tài khoản ngân hàng, mang sang Campuchia để phục vụ việc chuyển tiền.

Cả nhóm di chuyển vào TP Hồ Chí Minh rồi vượt biên bằng đường tiểu ngạch sang Campuchia, đến một tòa nhà ở khu “Tam Thái Tử”.

Tại đây, Trường, Khải, Hải, Cảnh được đưa vào hệ thống quản lý của các đối tượng người nước ngoài. Họ phải cung cấp số điện thoại nhận mã OTP, mật khẩu, số tài khoản… để nhóm đối tượng cầm đầu thao túng, chuyển tiền từ tài khoản họ quản lý.

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam các đối tượng Tạ Anh Trường, Lê Quang Khải, Nguyễn Xuân Hải (cùng sinh năm 2005) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và Nguyễn Tuấn Cảnh, sinh năm 1996, trú tại xã Trường Thành, huyện An Lão (Hải Phòng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng Khải, Hải, Trường, Cảnh. Ảnh: CA

Nhiệm vụ chính của nhóm Trường là nhận tiền từ tài khoản người Việt bị lừa, sau đó quét khuôn mặt xác thực sinh trắc học để chuyển tiền từ tài khoản sang tài khoản khác theo lệnh "ông chủ". Ba nam thanh niên sớm nhận ra bản chất lừa đảo của nhóm đối tượng nước ngoài, khi họ bắt gặp khoảng 30 người Việt khác bị đưa tới khu làm việc, sử dụng máy tính, điện thoại, giả danh Công an, Viện Kiểm sát gọi điện lừa đảo người Việt Nam ở trong nước.

Hàng nghìn lượt xác thực, gần 160 tỷ đồng luân chuyển trong 15 ngày

Sau một thời gian làm việc, Trường, Hải, Khải, Cảnh hiểu rõ “kịch bản”: Nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện lừa đảo người dân, khiến nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản họ đứng tên. Sau đó, "ông chủ" yêu cầu nhóm Trường xác thực sinh trắc hàng nghìn lượt, luân chuyển tiền qua 50 tài khoản ngân hàng khác nhau.

Chỉ trong 15 ngày, các đối tượng đã tham gia luân chuyển khoảng 158,5 tỷ đồng, trong đó có nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Sau khoảng 1 tháng hoạt động, do tài khoản ngân hàng bị phong tỏa, nhóm Trường được “ông chủ” trả lương rồi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, tại đây, cơ quan Công an đã nắm bắt vụ việc và bắt giữ. Đáng chú ý, quá trình điều tra, Công an quận Nam Từ Liêm xác định được ít nhất 3 vụ lừa đảo giả danh Công an, chiếm đoạt tiền của nạn nhân tại Việt Nam, nạn nhân đã chuyển tiền vào tài khoản Trường, Hải, Khải, Cảnh.

Cảnh báo và hành động quyết liệt từ cơ quan Công an

Ngày 15/8/2024, đối tượng giả danh Công an TP Đà Nẵng báo cho chị T.K.P (trú xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) rằng chị liên quan đến việc gửi hàng quốc cấm. Chị P hoảng sợ, chuyển 339,9 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Tuấn Cảnh, bị chiếm đoạt.

Ngày 17/8/2024, kẻ giả danh Công an tỉnh Hải Dương hướng dẫn chị N.T.T (trú phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) “định danh ô tô qua dịch vụ công”. Chị T nhẹ dạ, chuyển 470,9 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Xuân Hải và bị chiếm đoạt.

Vụ việc cho thấy sự phức tạp, nguy hiểm của các ổ nhóm lừa đảo xuyên biên giới, sử dụng công nghệ, giả danh cơ quan chức năng để chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác, không tin vào những cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu chuyển tiền, đe dọa xử lý hình sự, yêu cầu xác minh tài sản… Khi nhận được thông tin nghi ngờ, người dân cần lập tức liên hệ với cơ quan Công an để được hỗ trợ, xác minh.

Với việc triệt phá đường dây này, Công an quận Nam Từ Liêm đã đánh một đòn mạnh vào nạn lừa đảo xuyên biên giới, cảnh tỉnh cộng đồng về các thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản người dân.

Hoa Thành
Phiên bản di động