Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm

Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội là đơn vị có vị trí xếp hạng cao về Chỉ số cải cách hành chính 2023 (thứ 2/30 quận, huyện, thị xã). Để có được kết quả này, quận đã có tích cực chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Tuổi trẻ quận Nam Từ Liêm chung tay dọn dẹp các tuyến phố sau bão số 3 Quận Nam Từ Liêm: Chính quyền và người dân chung tay chống bão số 3

Đổi mới tư duy

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm cho hay, thời gian qua, công tác CCHC luôn được UBND quận Nam Từ Liêm tập trung lãnh đạo thực hiện. Quận xác định ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phải là điểm nhấn trong công tác CCHC nhằm đổi mới phương thức làm việc, từng bước đổi mới tư duy từ nền “hành chính quản lý” sang “hành chính phục vụ”; Xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.

Hiện quận Nam Từ Liêm triển khai các hệ thống phần mềm dùng chung của thành phố như: Theo dõi đôn đốc nhiệm vụ, quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, quản lý cuộc họp…; 100% các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường thuộc quận ứng dụng phần mềm trong quản lý văn bản và chỉ đạo, điều hành; 100% văn bản đến, văn bản đi được số hóa và ký số ban hành qua mạng. 100% các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường thuộc quận đã được cấp và ứng dụng chữ ký số phục vụ tạo lập văn bản điện tử; 100% các cuộc họp thường kỳ giữa UBND quận và UBND các phường được tổ chức trực tuyến.

Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm
Cải cách hành chính trở thành điểm sáng của quận Nam Từ Liêm

Đặc biệt, theo bà Thu, với việc chủ động ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, quận Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên và đứng đầu thành phố trong công tác chứng thực bản sao điện tử.

Bên cạnh đó, quận đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lưu từ năm 1958 đến nay với gần 190.000 bản ghi về khai sinh, khai tử, kết hôn. Các dữ liệu số hóa đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của quận và hiện được khai thác có hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính tại quận và các phường trên địa bàn.

Ngoài chủ động, tiên phong chuyển đổi số trong cải cách hành chính, quận ủy, UBND, HĐND quận thường xuyên sát sao quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả.

Quận đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong CCHC như: “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC”; “Ngày thứ 6 không viết”; “Ngày không hẹn”; Mô hình “Một cửa đô thị hiện đại”... Hiện nay, trên địa bàn quận thành lập được 131 tổ công nghệ số cộng đồng tổ dân phố; Hiện, toàn bộ các phường trên địa bàn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng phường.

Điểm sáng về chính quyền số, kinh tế số, công dân số

Trên cơ sở xây dựng chính quyền số, kinh tế số, công dân số, mục tiêu hướng đến doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi, quận Nam Từ Liêm đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả với phương châm trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đáng chú ý là mô hình quản lý nhà trọ thông minh.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Phó chủ tịch UBND phường Phương Canh Nguyễn Thị Minh Thu cho hay, Phương Canh không có nhiều nghề phụ như những phường khác trên địa bàn. Hơn nữa, hiện tại phường có hai trường học đặt tại đây là Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và trường Đại học Công nghệ Đông Á với số lượng lớn sinh viên đang theo học và sinh sống trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó, phường Phương Canh cũng nằm trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, do đó nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân các nhà máy, xí nghiệp, người lao động đến cư trú là rất lớn. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh nhà trọ chiếm ưu thế về phát triển các mô hình kinh tế tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn phường. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư, nhất là số người ở địa phương khác đến sinh sống, công tác, học tập, làm việc… còn nhiều khó khăn.

Bởi vậy, việc thuê trọ nếu phát triển sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế, đóng góp vào bức tranh kinh tế -xã hội của phường. Với quan điểm đó, ban lãnh đạo phường Phương Canh đã triển khai “Nền tảng nhà trọ chuyển đổi số” trên toàn địa bàn.

“Nền tảng này vừa giúp các chủ nhà trọ tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình quản lý thay vì ghi chép bằng tay như truyền thống, giúp khách thuê dễ tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu. Và quan trong hơn nữa là giúp lực lượng công an quản lý di biến động dân cư trên địa bàn” – bà Thu cho hay.

Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm
Mã QR được dán tại các nhà trọ trên địa bàn phường Phương Canh

Cụ thể, nền tảng này cho phép chủ nhà trọ quản lý khách thuê, theo dõi tình trạng phòng trống và xem lịch sử thuê trọ, đồng thời cũng có thể tạo hợp đồng cho thuê và tạo các khoản thanh toán định kỳ cho khách thuê trọ. Với nền tảng này, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, chủ nhà trọ có thể dễ dàng tải ứng dụng, rồi nhập thông tin nhà trọ của mình và các khách thuê trọ vào hệ thống phần mềm.

Ông Tống Tô Nguyên, Tổ tưởng Tổ dân phố số 8, phường Phương Canh chia sẻ, nền tảng nhà trọ CĐS cung cấp cho mỗi nhà trọ một mã QR-code. Khách thuê có thể dễ dàng quét để khai báo đăng ký thuê phòng và trả phòng bằng cách quét QR-code này, các thông tin khai báo sẽ tự động hiển thị trên phần mềm để chủ trọ có thể theo dõi và quản lý.

Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm
Các chủ trọ được hướng dẫn sử dụng nền tảng quản lý nhà trọ thông minh

“Nhiều người dân cũng e ngại vì họ đã quen với phương thức kinh doanh truyền thống. Tổ chuyển đổi số cộng đồng phường đã vào cuộc vận động, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng. Dần dần, người dân hiểu rõ về lợi ích khi sử dụng nền tảng quản lý nhà trọ, lúc nào cũng có thể nắm bắt thông tin về số lượng người thuê, giá cả, thanh toán… nên các chủ trọ tham gia tích cực hơn. Khi quản lý bằng cách này, chủ nhà trọ và khách cũng không cần đến tận phường để khai báo lưu trú, sẽ đơn giản được thủ tục hồ sơ, giấy tờ và tiết kiệm thời gian” – ông Nguyên nói.

Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm
Người tìm trọ dễ dàng tìm được nhà trọ phù hợp với mong muốn

Đến nay, toàn bộ chủ trọ trên địa bàn phường đã thông báo tới 4.200 người thuê trọ cài đặt phần mềm, khai báo thông tin cư trú, phục vụ công tác quản lý rất thuận lợi. Từ đó, an ninh trật tự trên địa bàn Phường cũng được đảm bảo an toàn hơn, giúp người đến thuê trọ an tâm hơn khi lựa chọn nhà trọ và cũng nâng cao được giá trị nhà trọ trên địa bàn phường.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình quản lý nhà trọ thông minh, phường Phương Canh còn tập trung xây dựng kênh giao tiếp giữa chính quyền và địa phương qua kênh Zalo OA. “Riêng kênh này đã có hơn 12.000 theo dõi và tương tác của người dân. Có những sự việc, chúng tôi tiếp nhận phản ánh của người dân qua kênh Zalo OA và được giải quyết ngay lập tức. Điều này đã góp phần hiệu quả trong việc quản lý, điều hành và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo mối quan hệ thân thiết giữa chính quyền địa phương và người dân” – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Canh nói.

Dấu ấn chuyển đổi số ở Nam Từ Liêm
Kênh Zalo OA phường Phương Canh đang trở thành kênh giao tiếp hiệu quả giữa chính quyền địa phương và người dân

Có thể thấy, với sự hỗ trợ đắc lực của tổ công tác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chỉ đạo sát sao của quận Nam Từ Liêm, phường Phương Canh đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 lĩnh vực: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đây có thể coi là mô hình phát triển kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số tiêu biểu từ cơ sở.

Trong những năm gần đây, các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền quận Nam Từ Liêm được thành phố đánh giá cao. Chỉ số về cải cách hành chính (PAR Index) của quận liên tục 2 năm liền (2022, 2023) xếp thứ 2/30 quận, huyện, thị xã; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc quận (SIPAS) luôn đạt cao và hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Thái Sơn
Phiên bản di động