Quận Nam Từ Liêm: Cơ cấu kinh tế dịch chuyển nhanh, đúng hướng
Quận Nam Từ Liêm có 82,9% số trường đạt chuẩn quốc gia |
Kinh tế tăng trưởng cao và bền vững
Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được thành lập ngày 27/12/2013 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014. Đây là dấu ấn quan trọng, có tác động lớn, toàn diện trong đời sống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; tinh thần của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quận.
Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt lên những khó khăn, thách thức; phát huy tiềm năng thế mạnh, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quận Nam Từ Liêm xanh, giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Sau 10 năm thành lập, kinh tế quận Nam Từ Liêm tăng trưởng cao và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô giá trị sản xuất chung các ngành kinh tế đến năm 2023, tăng gấp 3,2 lần so với năm đầu thành lập. Kinh tế tăng trưởng đã góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn, từ đó thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2022 đạt 99,8 triệu đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2014).
Trong đó, ngành thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, có tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2023 tăng bình quân 14,7%/năm. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển, với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê, các chuỗi cửa hàng tiện lợi văn minh, hiện đại phát triển đến các khu chung cư, tổ dân phố và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế của quận phát triển.
Ngày 2/2/2024, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập quận Nam Từ Liêm, UBND quận tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. |
Tính đến nay, trên địa bàn quận có 4 trung tâm thương mại (tăng thêm 3 trung tâm thương mại so với năm 2014), 5 siêu thị (tăng thêm 3 siêu thị so với năm 2014); 296 cửa hàng tiện ích và 10 chợ dân sinh đã được UBND TP Hà Nội phân hạng.
Quận Nam Từ Liêm cũng đã đẩy mạnh thương mại điện tử, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, hiện nay, quận đang hoàn thiện Đề án tuyến phố đi bộ - Chợ đêm, dự kiến bước đầu triển khai trong năm 2024 và tập trung rà soát khảo sát, nghiên cứu đề xuất thành phố về việc quản lý, khai thác khu vực công viên, hạ tầng khu vực đường đua công thức 1, kết hợp khai thác thương mại và tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm lớn của thành phố.
Ngành công nghiệp - xây dựng của quận Nam Từ Liêm cũng có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2023 tăng bình quân 12,4%/năm. Trên địa bàn quận có 2 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống là: Làng nghề sản xuất bún tại phường Phú Đô; Làng nghề sản xuất cốm tại phường Mễ Trì.
Qua rà soát, đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu nhằm đưa các sản phẩm có tiềm năng đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm OCOP, đến nay trên địa bàn quận đã có 24 sản phẩm 3 sao, 08 sản phẩm 4 sao (bao gồm các sản phẩm truyền thống: Giò lụa, chả quế, giò bò, giò tai, chả cốm, cốm tươi, xôi cốm, bánh cốm; lạc đỏ, bơ lạc, dầu lạc hữu cơ...
Thời gian qua, các thành phần kinh tế của quận Nam Từ Liêm tiếp tục phát triển, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn quận có 16.908 doanh nghiệp hoạt động, tăng gấp gần 4 lần so với ngày đầu thành lập, đóng góp ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng/năm; 16.359 hộ kinh doanh (tăng hơn 02 lần so với ngày đầu thành lập); 45 hợp tác xã (tăng 29 hợp tác xã so với ngày đầu thành lập).
Môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và hấp dẫn
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, quận Nam Từ Liêm luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, HĐND - UBND TP Hà Nội và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ quận; đã bám sát và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình của thành phố và quận đề ra.
Quận Nam Từ Liêm chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập quận. |
Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân luôn đề cao và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết tâm vượt khó, đã bước đầu khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn phục vụ xây dựng, phát triển; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, vào cuộc, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng quận Nam Từ Liêm ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trong thời gian tới, quận Nam Từ Liêm tiếp tục thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; 5 năm giai đoạn 2026-2030 và các quy hoạch đã được duyệt. Do vậy, quận phải nhận diện được đầy đủ các cơ hội và thách thức để hướng tới mục tiêu phát triển một cách bền vững.
Với vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng phát triển, trong những năm tới, quận Nam Từ Liêm vẫn là địa bàn năng động, thu hút được các dự án lớn có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội lớn và thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín lớn của quốc tế và quốc gia vào đầu tư trên địa bàn.
Do đó, quận Nam Từ Liêm đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế cao gắn với phát triển bền vững, ưu tiên tập trung phát triển mạnh thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, hấp dẫn để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp trên địa bàn quận.
Theo đó, quận sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn quận; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, quận cũng sẽ hoàn thiện việc nghiên cứu triển khai xây dựng Quảng trường thanh niên Mỹ Đình kết hợp các trung tâm thương mại, các làng nghề, khu vui chơi… thành tổ hợp giải trí lớn của Thủ đô, gắn với phát triển kinh tế du lịch. Hoàn thiện và triển khai Đề án tuyến phố đi bộ - Chợ đêm để thu hút khách du lịch, đặc biệt là thu hút người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn quận.
Quận cũng sẽ phát triển công nghiệp sạch theo hướng bền vững; cung cấp thêm các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP; toàn quận hàng năm có 10 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; định kỳ hàng năm đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời gian chứng nhận theo quy định; 100% các làng nghề truyền thống trên địa bàn quận có chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, quận Nam Từ Liêm cũng sẽ triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa bàn, hưởng ứng phong trào “khởi nghiệp” của cả nước và thành phố Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh hoạt động tốt; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể.