Quận Hoàng Mai: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với mưa lũ
Cấp uỷ, chính quyền vào cuộc
22h ngày 10/9, trụ sở của 4 phường nguy cơ cao bị ngập lụt của địa bàn quận Hoàng Mai vẫn sáng đèn. Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Trần Phú sẽ có một đêm không ngủ.
Sau trận bão Yagi có sức tàn phá lớn là nỗi lo lũ trên sông Hồng. Trước những diễn biến của lũ trên sông, ngay từ sớm, lãnh đạo quận Hoàng Mai đã chia thành nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế và họp bàn với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường ven đê.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai có tuyến đê dài 8.410m, nằm trên địa bàn 5 phường. Trên đê có 10 điếm canh (từ điếm 18 đến điếm 27); có 15 cửa khẩu, 1 kè, 3 cống qua đê; có 2 trọng điểm đê xung yếu, gồm khu vực đê Bùng thuộc phường Lĩnh Nam và công trình Trạm bơm Yên Sở. |
Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền quận Hoàng Mai là các phường, các lực lượng cần chủ động từ sớm, từ xa để giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người. Đặc biệt, các lực lượng nắm tâm tư và hỗ trợ Nhân dân một cách tốt nhất để người dân yên tâm di tản đến nơi an toàn.
Trong đêm 10/9, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đã trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo công tác di dời người dân đến nơi an toàn.
Bí thư Quận uỷ Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh kiểm tra công tác ứng trực của các đơn vị trực chiến trong đêm 10/9 |
Tại những phường có khu vực nguy cơ ngập lụt cao, đồng chí Bí thư đã họp Ban Chỉ đạo, thị sát và yêu cầu các đơn vị, địa phương bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Nói về sự vào cuộc từ sớm, từ xa, chiều 10/9, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm cũng trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Lĩnh Nam. Tại đây, các nội dung trong Công điện số 04/CĐ-UBND, ngày 10/9 về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông được làm rõ.
Theo đó, không chỉ Lĩnh Nam mà thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị; Chủ tịch UBND các phường ven đê đều được Chủ tịch UBND quận yêu cầu triển khai tổ chức hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ trên các điếm canh đê; rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ trên điếm canh đê, sẵn sàng xử lý các sự cố về đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động rà soát xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực xảy ra ngập sâu, bị cô lập, khu vực nguy cơ sạt lở để có phương án sơ tán, di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết, phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, bảo đảm không bỏ sót người dân...
Tất cả hoạt động trên để bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, an toàn cho người và tài sản khu vực ngoài bãi trên địa bàn quận khi lũ sông Hồng, sông Đuống lên cao.
4 phường phòng thủ vững chắc
Có lẽ lâu lắm rồi tại trụ sở Đảng uỷ, UBND của 4 phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Thanh Trì, Vĩnh Hưng mới diễn ra nhiều cuộc họp và liên tục được các lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận đến làm việc trực tiếp như ngày 10/9 vừa qua.
Bí thư thị sát và trực Sở chỉ huy tiền phương chống lũ lụt tại trụ sở phường Lĩnh Nam tối 10/9 |
Theo ông Tạ Việt Dũng, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, đến chiều 10/9, toàn bộ 450 người dân ở khu vực ngoài bãi (150 người dân phường Lĩnh Nam, 300 người dân ở tỉnh khác đến) đã di tản hết. Các lực lượng của phường đã hỗ trợ chuyển đồ đạc, chuyển vật nuôi để người dân yên tâm chuyển đi.
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để Nhân dân nắm bắt được tình hình mưa lũ; đồng thời tổ chức ứng trực 24/24h. “Chúng tôi trực tiếp đi vận động Nhân dân di chuyển các lều trồng hoa màu khỏi vùng nguy hiểm từ bờ sông Hồng đến đê quai”, ông Dũng cho hay.
Đây cũng là những việc gấp rút cần khẩn trương thực hiện ngay của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và người dân phường Vĩnh Hưng.
Trong cơn mưa thẳng đứng mau hạt, cán bộ, nhân viên, dân quân tự vệ, thanh niên phường Trần Phú khẩn trương giúp đỡ nhiều hộ dân di dời lên khu vực tránh lũ.
Gia đình bà Hằng nhận thực phậm ngay khi di dời về nơi tạm trú tránh lũ |
Trên môi không giấu được nụ cười vì vừa vận động thành công “ca khó” đồng ý di dời khỏi nơi cư trú trong đêm, Bí thư Đảng uỷ phường Trần Phú Vũ Thị Thoa chia sẻ: “Trong lúc thiên tai lũ lụt này, ngoài sự cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang… thì ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của mưa lũ, chúng tôi đã xuống từng nhà, vận động từng người ở khu tập thể cảng Khuyến Lương với gần 200 nhân khẩu đồng ý di dời đề phòng nước dâng cao nguy hiểm tới tính mạng.
Các hộ dân khu vực cảng Khuyến Lương và một số địa điểm có nguy cơ mất an toàn được phường tạo điều kiện vào ở trong nhà văn hóa tổ dân phố số 9 và nhà thờ Yên Lương. Hiện đã có nhiều hộ di dời và phường cố gắng trong đêm nay sẽ hoàn tất việc di dân tránh lũ”.
Trước đó, lực lượng chức năng phường Trần Phú đã hỗ trợ mẹ con bà Hằng đến nơi tạm trú an toàn |
Vừa kịp ăn vội bữa cơm tối cùng con trai và cháu nội, bà Bùi Thị Hằng (tổ dân phố số 5, phường Trần Phú) nhanh chóng mang theo vật dụng cần thiết, theo đoàn hỗ trợ di dời tránh lũ ở khu vực Nhà thờ Yên Lương. Xúc động trước sự quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn, neo người của gia đình, bà Hằng giãi bày: “Con tôi do tai nạn phải nằm một chỗ, cháu nội cũng mới vào học lớp 1, tôi một mình không biết xoay sở với bão lũ ra sao thì nhận được sự cứu trợ kịp thời của phường. Giờ đây nếu nước có lên, tôi cũng yên tâm. Người còn thì của còn, tôi luôn nghĩ như vậy”.
Thế rồi không ai bảo ai, mọi vật dụng từ ăn uống, chăn chiếu, nước uống đủ cho 5 hộ gia đình đã được cấp uỷ, chính quyền phường, dân quân, đoàn thanh niên… phường tất bật chuẩn bị và chuyển ngay đến tay người dân cần được hỗ trợ. 19h30, không khí vẫn khẩn trương, trong khi ngoài kia trời mưa loang loáng ánh đèn xe…
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tối 10/9 |
Di dọc đê cách đó không xa, tại trụ sở phường Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng họp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường bàn phương án di dân theo phương châm không làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của các địa bàn không có nguy cơ ngập lụt. Theo đó, các phương án về di dời chỗ ở, giáo dục, y tế, ăn uống… đều được đưa ra phân tích bằng các tình huống cụ thể để sát với thực tiễn địa bàn.
Theo thống kê, số hộ dân vùng bãi phường Thanh Trì cần di tản thuộc 4 tổ dân phố (1, 5, 9, 11) gồm 1.046 hộ, với 3.571 nhân khẩu. Đến nay, phường đã thu xếp 5 điểm có thể di tản nhân dân vào ở với sức chứa 3.560 người. Các địa điểm di tản dân đến ở gồm 4 trường học và 5 nhà hội họp.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân di dời tài sản khỏi nơi có nguy cơ ngập lụt |
Được biết, tính đến 22h đã có khoảng 50 hộ dân, với khoảng 229 nhân khẩu phường Thanh Trì được di dời vào khu vực an toàn (nhờ nhà dân trên địa bàn phường, các phòng trọ, nhà nghỉ…). Các phương tiện người dân di chuyển vào khu vực trong đê. Đồ đạc được các tổ công tác hỗ trợ kê cao, phòng chống nước dâng cao.
Đến thời điểm này, địa bàn quận Hoàng Mai vẫn có mưa, diễn biến thời tiết và lũ trên sông Hồng còn phức tạp. Vì thế, các lực lượng chuyên trách của quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục cập nhập thường xuyên diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; duy trì tổ chức ứng trực nghiêm túc 24/24h; kịp thời thông tin, chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh.