Quận Ba Đình lấy ý kiến về tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa mới
Nghề ướp trà sen Quảng An là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Quận Ba Đình: Biểu dương 23 gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2024 |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh TP Hà Nội đang đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hướng đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân, gắn kết cộng đồng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Việc cập nhật và điều chỉnh các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu văn hóa được xem là cần thiết để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội hiện đại.
Chung tay góp ý xây dựng tiêu chuẩn văn hóa
Tham dự sự kiện có lãnh đạo UBND quận Ba Đình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ba Đình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, cán bộ văn hóa thông tin; Tổ trưởng Tổ dân phố và Trưởng ban công tác mặt trận 14 phường trên địa bàn quận. Đây là những nhân tố quan trọng trong việc triển khai và thực hiện các phong trào văn hóa tại cơ sở, đóng vai trò kết nối giữa chính quyền và người dân.
Toàn cảnh hội nghị |
Tham gia điều hành hội nghị có đồng chí Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và Gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) và đồng chí Lê Thị Khanh – Trưởng phòng VH-TT quận Ba Đình.
Ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh, việc lấy ý kiến từ cơ sở là yếu tố then chốt để đảm bảo các tiêu chuẩn văn hóa mới thực sự sát với đời sống của người dân, đồng thời phản ánh đúng thực tế tại các phường, xã, cơ sở địa phương. Sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân tại địa phương sẽ quyết định sự thành công của việc triển khai các tiêu chuẩn này.
Ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và Gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) |
Nghị định số 86/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 07/12/2023, quy định về khung tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, và hồ sơ xét tặng các danh hiệu văn hóa. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, với mục tiêu không chỉ đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những bất cập đã tồn tại trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn cũ.
Thực tiễn triển khai tại TP. Hà Nội trong những năm qua cho thấy, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp Nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ đạt danh hiệu này đạt từ 85-88%. Nhiều gia đình không chỉ trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng, mà còn đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Tương tự, phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” đã tạo nên những thay đổi rõ nét trong đời sống xã hội tại nhiều khu vực. Các công trình công cộng, đường xá, nhà văn hóa được xây dựng mới và cải tạo, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Phong trào văn hóa - thể thao cũng nhờ đó phát triển mạnh, làm giàu thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa vẫn còn tồn tại một số bất cập. Ở một số nơi, việc công nhận các danh hiệu văn hóa đôi khi vẫn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng chất lượng và thực tế tại cơ sở. Một số gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, trong khi nhiều tiêu chí chưa thực sự được đáp ứng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các tiêu chí bình xét được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, chưa thực sự phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Điều này đã dẫn đến việc đánh giá chưa sát với thực tế, khiến nhiều nơi đạt tỷ lệ rất cao nhưng không phản ánh đúng chất lượng văn hóa tại đó.
Tiêu chí cần cụ thể hơn nữa
Bà Hà Lam Hương (Trưởng ban Công tác Mặt trận – Tổ 9 – phường Giảng Võ) phát biểu về việc các vấn đề dân sinh như quy định về phân loại rác, thu gom rác thực sự chưa được phổ biến rộng rãi trong toàn dân mà chỉ đang ở các cụm, nhóm bạn trẻ có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc vận động, tuyên truyền đã diễn ra nhưng chưa phát huy hiệu quả tại các cụm dân cư.
"Tôi cho rằng, việc bình xét tiêu chí nên có sự xem xét về các bước cụ thể; tiến hành triển khai các cuộc vận động, tuyên truyền gần gũi và thực tế hơn với người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Người dân chưa quen sử dụng túi phân loại, chúng ta có thể tặng các loại túi cho người dân bước đầu để họ làm quen, lâu dần trở thành nếp sống bền vững; từ đó, cơ sở bình xét văn hóa cho các gia đình và địa phương sẽ được xây dựng vững chắc hơn" - bà nói.
Bà Hà Lam Hương có những chia sẻ cụ thể về vấn đề môi trường trong quy định bình xét "Thôn, Tổ dân cư văn hóa" |
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, đồng chí Bùi Minh Hoàng cho biết, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề thực tế, sát với đời sống Nhân dân tại đơn vị quản lý. Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Sở VH – TT Hà Nội ghi nhận và tiến hành chỉnh sửa nội dung dự thảo phù hợp với nếp sống hiện đại, văn minh ngày nay.
"Tôi cho rằng, chỉ khi nào tất cả các cộng đồng dân cư cùng chung tay đóng góp thì khi ấy những quy định, nội dung trong dự thảo mới trở thành thực tiễn, áp dụng hiệu quả trong đời sống hàng ngày” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Bùi Minh Hoàng rất vui mừng trước sự đóng góp tích cực, chi tiết của các đại biểu |
Sau hội nghị lấy ý kiến các tổ dân phố trên địa bàn quận Ba Đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến cư dân tại huyện Phúc Thọ và một số địa phương, sau đó sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo, tham mưu với UBND thành phố Hà Nội trước khi ban hành thực hiện.