Phúc Thọ: Hiệu quả từ thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với di tích lịch sử

Thông qua các mô hình “Thôn văn hóa kiểu mẫu”, “Di tích lịch sử kiểu mẫu”, huyện Phúc Thọ đã có cách làm sáng tạo là gắn thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng với di tích lịch sử. Nhờ đó, huyện đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong việc triển khai 2 bộ Quy tắc ứng xử.
Thi tuyên truyền viên giỏi trong vận động thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng Nhiều sáng tạo để lan tỏa 2 Bộ Quy tắc ứng xử Hà Nội kiểm tra công vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ

Hiệu quả từ những mô hình tiên phong

Qua 6 năm triển khai thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đồng lòng hưởng ứng, tạo chuyển biến rõ rệt. Theo ông Kiều Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, huyện đã làm thí điểm nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình là mô hình“Thôn, cụm dân cư không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp, ứng xử văn minh” tại xã Võng Xuyên.

Phúc Thọ: Hiệu quả từ thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với di tích lịch sử
Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử tại huyện Phúc Thọ

“Sau khi đánh giá, ghi nhận cách làm hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo nhân rộng trên toàn huyện. Cán bộ và Nhân dân thôn, tổ dân phố đã tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp, môi trường văn hóa thân thiện; Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường; Xả rác thải, chất thải đúng nơi quy định. Qua đó, dần hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, qua đó góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại” – Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nói.

Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, UBND huyện xây dựng các mô hình khác như: “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”; “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng” tại các xã, thị trấn; Mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp” tại các trường học.

Phúc Thọ: Hiệu quả từ thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với di tích lịch sử
Việc niêm yết các văn bản, tài liệu ở UBND huyện Phúc Thọ được đánh giá là quy củ và khoa học

Đáng chú ý, UBND huyện lựa chọn xã Phúc Hòa làm điểm triển khai thực hiện mô hình “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”. Sau khi rút kinh nghiệm tại xã, thị trấn làm điểm, UBND huyện chỉ đạo nhân rộng mô hình tại 20 xã, thị trấn còn lại. Từ mô hình này, nhiều cách làm hay đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả, như: Tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thi hành công vụ; Mở hòm thư góp ý, số điện thoại thường trực để Nhân dân kịp thời kiến nghị, phản ánh những thắc mắc trong quá trình giao dịch công việc. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Giải quyết công việc đúng quy định, quy trình, không sách nhiễu, không gây căng thẳng, bức xúc tại Bộ phận một cửa huyện và 21 Bộ phận một cửa xã, thị trấn trang trí ngăn nắp, gọn gàng, bố trí nhiều cây xanh; Công chức làm việc tại bộ phận một cửa thực hiện đeo thẻ tên, thẻ chức danh theo quy định...

Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội

Đáng chú ý, huyện Phúc Thọ đã phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền, lan tỏa Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với di tích lịch sử.

Trên địa bàn huyện có 201 di tích, trong đó, 106/201 di tích đã được xếp hạng, gồm: 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (đền Hát Môn, xã Hát Môn; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp), 45 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 58 di tích xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 11 địa điểm được UBND thành phố ban hành Quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Hàng năm, có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân, trong đó có 67 lễ hội làng, 1 lễ hội vùng (Lễ hội truyền thống đền Hát Môn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)...

Để lan tỏa bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, Hội LHPN xã Võng Xuyên đã ra mắt hai mô hình “Thôn văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Lục Xuân và “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại khu di tích lịch sử Đình Võng Ngoại và dần nhân rộng ra các xã khác. Nhờ đó, đến nay, tại các đình, đền, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết đầy đủ, người dân đến chiêm bái được nhắc nhở nên không xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự, vứt rác bừa bãi; Không còn tình trạng ăn mặc hở hang, gây phản cảm, đảm bảo văn minh nơi thờ tự.

Phúc Thọ: Hiệu quả từ thực hiện các quy tắc ứng xử gắn với di tích lịch sử

Hội LHPN huyện Phúc Thọ đã ra mắt mô hình “Thôn văn hóa kiểu mẫu” và mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại xã Võng Xuyên

Song song với nhân rộng mô hình này, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động và duy trì thường xuyên công tác kiểm tra các di tích, lễ hội. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những sai phạm, các hành vi tiêu cực, mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; Nhắc nhở ban tổ chức các lễ hội thực hiện việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng nơi quy định.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ ấy, ông Kiều Trọng Sỹ đánh giá, việc phát hiện các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới; Các tổ chức chính trị-xã hội như Hội LHPN huyện, Đoàn Thanh niên... đã tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt đến các hội viên và Nhân dân trên địa bàn nhằm lan tỏa hành động đẹp của các tập thể, cá nhân. Đối với những cá nhân được Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, Trung tâm VH-TT&TT huyện biên tập, viết bài đăng cổng thông tin điện tử của huyện, trong chuyên mục “Phúc Thọ đẹp và chưa đẹp”. Từ đó, cán bộ, công chức, viên chức và người dân biết đến, học tập và làm theo.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử, huyện Phúc Thọ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất; Siết chặt kỷ cương hành chính, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cũng đề xuất ý kiến để 2 bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống một các tự nhiên và hiệu quả. Ông Sỹ cho rằng, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội nên có chế tài xử phạt đối với những hành vi “không nên làm”.

“Hiện nay, chúng ta không có chế tài xử phạt đối với những hành vi chưa chuẩn mực. Biện pháp chủ yếu trong triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng vẫn chỉ là bằng hình thức tuyên truyền người dân nên làm và không nên làm. Những việc “không nên làm” chưa có chế tài để xử phạt nên việc điều chỉnh hành vi chưa hiệu quả. Nếu có chế tài xử phạt, cấp cơ sở sẽ dễ dàng triển khai và người dân tự giác hơn” – ông Sỹ nhấn mạnh.

Thái Sơn
Phiên bản di động