Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu.
Việt Nam chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Ngày 3/8, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng năm qua và những tháng còn lại của năm 2023.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành giá "dễ thở hơn", đủ điều kiện để có thể xem xét lộ trình điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giảm bớt áp lực sang các năm tiếp theo.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát các kịch bản đã đề ra, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp phù hợp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu
Không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu.

Trước đó, hồi đầu tháng 7 vừa qua, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Một số vấn đề được các doanh nghiệp bán lẻ nêu trong đơn là chưa nhận được khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ và Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trong đó, quy định tại các chính sách không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức dẫn đến doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Không chỉ có vậy, tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

Các doanh nghiệp bán lẻ hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi này; đồng thời, đã gửi rất nhiều kiến nghị, góp ý đến Bộ Công thương – đơn vị soạn thảo Nghị định. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị nghị định mới cần phải quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, ghi rõ giá bán buôn tối đa, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, ngay từ đầu năm nay, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Sau đó, cuối tháng 2/2023, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao Bộ Công thương chủ trì, khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xăng dầu và nhấn mạnh "không chậm trễ".

Tiếp theo, đến giữa tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ về việc đảm bảo chi phí, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu và trả lời cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý II/2023, nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành.

Do đó, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đại diện cho hàng trăm đơn vị bán lẻ trên cả nước "xin đề nghị được gặp vào báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; kiến nghị các nội dung cần thiết phải sửa trong nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng...".

Hậu Lộc
Phiên bản di động