Phó Thủ tướng tiếp tục thúc hoàn thiện nghị định sửa đổi về xăng dầu
Thường trực Chính phủ yêu cầu họp thống nhất sửa đổi ngay các nghị định về xăng dầu "Ông lớn" xăng dầu miền Tây bị rút giấy phép |
Đây là một trong những nội dung được nêu trong Thông báo kết luận số 348/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Đặc biệt, Bộ Công thương phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 19/8/2023.
Trước đó, Thường trực Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, trình Chính phủ trước ngày 19/8/2023; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp thống nhất sửa đổi ngay các nghị định này.
Ảnh minh họa. |
Được biết, việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu được Chính phủ giao cho Bộ Công thương từ cuối năm 2022, thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ.
Từ thời điểm đó đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc Bộ Công thương sớm hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nghị định mới vẫn chưa được ban hành.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều công văn gửi các bộ ngành, địa phương, về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, Bộ Công thương cũng có công văn gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu.
Hồi đầu năm nay, bản dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đầu tiên đã được tổ soạn thảo xây dựng gửi xin ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp.
Sau quá trình lấy ý kiến, ngày 18/5/2023, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lần cuối liên quan đến sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Trong thông cáo hồi đầu tháng 8, Bộ Công thương cho biết đã trình dự thảo sửa đổi các nghị định này vào ngày 18/7/2023. Đồng thời, bộ đã chủ động thực hiện nhiệm vụ soạn thảo dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Một số vấn đề được các doanh nghiệp bán lẻ nêu trong đơn là chưa nhận được khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ và Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị được gặp vào báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn họ, kiến nghị các nội dung cần thiết phải sửa trong nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia.