Phó Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ cho PVN
PVN có thể thất thu tới hơn 140 nghìn tỷ đồng vì Covid-19 Doanh thu PVN đạt hơn 2.000 tỷ đồng mỗi ngày |
Chiều 10/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ đã đánh giá cao những kết quả mà PVN và ngành dầu khí đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ nay đến cuối năm 2020, Phó Thủ tướng cũng đã giao nhiều nhiệm vụ cho PVN, trong đó, nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác. Từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu PVN nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại tập đoàn, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính; có giải pháp điều hành phù hợp để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Các kỹ sư BSR kiểm tra vỏ thiết bị trao đổi nhiệt sau khi tháo để bảo dưỡng trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 4. Ảnh: PVN. |
Bên cạnh đó, PVN cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trong kế hoạch (như dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, chuỗi dự án khí Lô B, chuỗi dự án khí Ca Voi Xanh...). Có giải pháp phù hợp xử lý các tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu Dung Quất, dự án nhiên liệu Phú Thọ...).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa đối với 3 đơn vị (Tổng công ty Dầu Việt Nam-PVOil, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn - BSR, Tổng công ty Điện lực dầu khí), kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị (nếu có).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu (dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, các dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...). Tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Báo cáo lãnh đạo Chính phủ tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN cho biết, giai đoạn 2015 trở về trước, tỷ trọng đóng góp của tập đoàn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước chiếm 25-30%, đóng góp cho GDP trung bình từ 16-18%.
Từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp ngân sách Nhà nước khi nộp ngân sách hằng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn chủ sở hữu bình quân của tập đoàn đạt 10,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn điều lệ đạt 15,8% giai đoạn 2010-2019. Tốc độ tăng tổng tài sản hợp nhất của PVN giai đoạn 2010-2019 đạt 9,7%/năm. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 861.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất của tập đoàn giai đoạn 2010-2019 đạt 9,8%/năm. Nguồn vốn chủ hữu hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 479.300 tỷ đồng.