Phó Thống đốc: "Tôi sẵn sàng đề xuất gói tín dụng cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp"
Hoàn thuế chậm làm doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền Ngành xi măng lo doanh nghiệp phá sản, bán mình cho nước ngoài |
Ngày 12/4, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận, tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, gỡ các “nút thắt” về tín dụng, đặc biệt với các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, ngành nông, lâm, thuỷ sản là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế. Do đó, ông đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng và gói 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay đối với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng và gói 30.000 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. |
Ngay tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đề nghị các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản; về tài sản thế chấp, ngân hàng phải xác định được dòng tiền của doanh nghiệp, vay để làm gì, bao giờ thu hồi vốn, bao giờ trả nợ vốn vay,...
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với đề xuất liên quan đến kéo dài thời hạn cho vay của doanh nghiệp, câu chuyện này thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại, xác định dòng tiền, tài sản của doanh nghiệp để quyết định cho vay trên tinh thần thấu hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp.
Về đề xuất liên quan đến tài sản đảm bảo, đây cũng là vấn đề thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại nên Ngân hàng Nhà nước không can thiệp.
Các đại biểu tại hội thảo. |
"Câu chuyện tài sản đảm bảo, thế chấp đây là mối quan tâm của cả phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Ngân hàng cũng lo về vấn đề rủi ro bởi không có gì chắc chắn hơn tài sản thế chấp, nhưng ngược lại nhiều doanh nghiệp muốn vay lại không có tài sản thế chấp thì phải chứng minh được dòng vốn, nguồn tiền trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Tú chia sẻ.
Do đó, theo ông Tú, các doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính của doanh nghiệp về gói 30.000 tỷ đồng, đây là gói tín dụng Ngân hàng Nhà nước đề xuất và rất được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định ông sẵn sàng đề xuất gói tín dụng cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản nếu triển khai hiệu quả.
"Nếu hết 30.000 tỷ đồng, tôi sẵn sàng đề suất 45.000 tỷ đồng thậm chí 50.000 tỷ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay", ông Tú nói.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, phía Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt 10 giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục hoàn thiện pháp lý để mở rộng cho các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay, tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các ngân hàng; mở thẩm quyền cho các ngân hàng thương mại đánh giá năng lực doanh nghiệp để cho vay thế chấp, tín chấp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu sửa Thông tư 39/2016/TT-NHNN, công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng cho vay, tạo cơ chế cạnh tranh, hạ lãi suất; ổn định tỷ giá và ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo hạ lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay đã thấp hơn nhiều so với trước đây; ban hành chính sách giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn; đồng thời triển khai hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi.
Cùng với đó là gia tăng tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Đặc biệt là việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để nắm được thông tin đầy đủ nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng.